Mạ trên sân ở các xã Kỳ Thượng, Kỳ Sơn, Kỳ Lâm, Kỳ Hợp được phủ kín bằng ni lông để chống rét.
Chị Định (xã Kỳ Thượng) cho biết, năm nay, nhà gieo hơn 1 yến mạ sân. Để mạ xanh tốt đòi hỏi phải thực hiện bài bản các bước. Mặt sân phải bằng phẳng, cần lót nền bằng bao dứa hoặc nilon có chọc lỗ. Bùn để gieo mạ được lấy ở ao hồ, mương máng, sông ngòi, không lấy ở nơi ao tù, nước đọng hoặc dưới bóng cây to có lá rụng.
Lãnh đạo huyện Kỳ Anh kiểm tra, đánh giá hiệu quả của phương pháp gieo mạ trên sân của bà con
Bà con thường chủ động lấy bùn sớm cho hả hơi và trộn đảo đều với trấu xay, sau đó vun gọn và phủ nilon giữ ẩm cho bùn; đánh bùn nhuyễn, gạt phẳng lớp bùn dầy khoảng 1 -1,5cm và gieo đi gieo lại nhiều lần cho đều.
Theo kinh nghiệm của bà con, mạ sân nên gieo vào buổi sáng để tận dụng nhiệt độ ấm vào ban trưa. Sau khi gieo xong, mỗi ngày tưới nước từ 4 - 5 lần cho mặt sân luôn ẩm ướt để kích thích mầm lúa phát triển. Khoảng 15 - 18 ngày, khi mạ lên được khoảng 2 - 3 lá thì cuốn mạ đi ra ruộng để cấy.
Cách làm sáng tạo này của người dân vùng thượng Kỳ Anh vừa giúp chống rét, vừa nâng cao khả năng sinh trưởng cho cây mạ.
Theo ông Phan Công Toàn - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT&BVCTVN huyện Kỳ Anh, gieo sạ lúa trên sân nhà giảm được chi phí mua thuốc trừ cỏ, giảm lượng giống khi gieo, không sợ chuột, ốc bươu vàng phá hoại và hạn chế được rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lúa gây hại.
Đặc biệt, thời tiết năm nay được dự báo sẽ có rét đậm, rét hại nên việc bà con các xã vùng thượng triển khai mô hình gieo sạ trên sân là cách chống rét hiệu quả nhất cho mạ.
Theo Phúc Quang/Bao Ha tinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn