Tôm được giá, người nuôi trồng Hà Tĩnh phấn khởi
Anh Nguyễn Bá Nghĩa ở xã Cương Gián (Nghi Xuân) phấn khởi cho biết: Vụ tôm này, anh thả 1 triệu con giống cho 5 ao nuôi với diện tích gần 1 ha. Trước đó, do mưa bão buộc anh phải thu “non” mất gần 4 tấn. Vừa đây, anh thu được hơn 14 tấn tôm thương phẩm có kích cỡ đạt bình quân từ 47 - 52 con/kg. Thật mừng, đợt này, giá tôm đang tăng cao, tôm đạt kích cỡ trên, anh bán với giá hơn 190 nghìn/kg. Năm trước, tôm cũng đạt kích cỡ trên nhưng anh chỉ bán được với giá từ 140 - 150 nghìn đồng/kg. Vụ tôm này mang về cho anh gần 2 tỷ đồng tiền lãi sau 4 tháng thả nuôi.
Do mưa lớn kéo dài ảnh hưởng đến con tôm nên anh Trần Văn Công ở xã Xuân Phổ (Nghi Xuân) cũng phải thu hoạch “non” so với dự tính. “Mặc dù thu hoạch trước 15 ngày nhưng thấy giá tôm hiện tại cao nên anh quyết định bán. Với sản lượng gần 4 tấn tôm thương phẩm có kích cỡ 60 - 70 con/kg, anh bán với giá hơn 130 nghìn đồng/kg. Giá tôm tăng nên vụ tôm này cũng mang về lợi nhuận khá cao” - anh Công chia sẻ.
Một thương lái thu mua tôm trong tỉnh cho biết, gần 1 tháng lại nay, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng các loại tại ao đã tăng cao so với đầu năm. Hiện nay, tôm thẻ chân trắng cỡ 100 con/kg có giá 100 - 117 nghìn đồng/kg, loại 60 con/kg giá 146 nghìn đồng/kg; loại 50 con/kg giá 190 nghìn đồng/kg; còn tôm sú loại 40 con/kg giá 180 nghìn đồng/kg, loại 30 con/kg có giá 200 - 230 nghìn đồng/kg. Nhìn chung, giá tôm đợt này tăng bình quân khoảng 15-20% so với những năm trước và vụ tôm đầu năm.
Theo ông Lưu Quang Cần – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, sự thiếu hụt nguồn tôm nguyên liệu thế giới cùng với sự khởi sắc của thị trường xuất khẩu tôm là nguyên nhân khiến giá tôm thẻ chân trắng và tôm sú các loại tăng mạnh trong thời gian gần đây, giúp người nuôi tôm có lợi nhuận cao. Thời gian tới, giá tôm nguyên liệu được dự báo sẽ tiếp tục tăng khi các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tập trung khai thác mở rộng thị trường sang Mỹ.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh chỉ mới xuống giống được gần 2 tháng. Sau cơn bão số 10 và những trận mưa lớn kéo dài, tôm nuôi bị thiệt hại đáng kể. "Giá tôm tăng cao, người nuôi lãi lớn nên thời gian này cho đến khi thu hoạch, các hộ cần thận trọng khi thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa lạnh. Theo đó, người nuôi tôm cần phải thường xuyên theo dõi sức khỏe của con tôm; kiểm tra biến động độ pH trong môi trường ao nuôi, độ kiềm và các loại rong tảo để xử lý kịp thời khi tôm có dấu hiệu bất thường. Bên cạnh đó, tăng cường chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, bổ sung can-xi và chất khoáng để tôm phát triển tốt.
Đối với những hộ đã cho thu hoạch, nhất là các vùng nuôi tôm trên ao đất, nuôi theo hình thức quảng canh… không nên ham giá cao, lợi nhuận lớn mà tiếp tục thả tôm giống trong những tháng cuối năm, bởi trong thời gian này, nhiệt độ lạnh, độ mặn thấp, chất lượng giống thấp… là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát triển. Còn các vùng nuôi tôm thâm canh, nuôi tôm công nghệ cao trên cát thì nên thả giống với mật độ thấp” – ông Cần khuyến cáo.
Theo Hữu Trung/Báo Hà Tĩnh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn