Giá lợn hơi giảm, ông Nguyễn Trọng Thế chỉ duy trì 150 - 200 con.
Ông Nguyễn Trọng Thế – chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xóm Tiên Tiến, xã Thạch Môn, TP. Hà Tĩnh cho biết: Trước đây, trang trại của chúng tôi lúc nào cũng có từ 450 – 500 con, nhưng từ khi giá lợn giảm sâu, tôi chỉ duy trì từ 150 – 200 con. Số lợn trên mỗi ngày tiêu tốn gần 100 kg thức ăn, tính ra hết gần 1,5 triệu đồng. Giá lợn hơi ở mức thấp, giá thức ăn lại đang tăng nên lứa này cầm chắc lỗ vốn.
Với tâm trạng lo lắng, chị Vương Thị Minh Nga - chủ trang trại chăn nuôi lợn Nga Hải ở thôn Bắc Thành, xã Cẩm Dương, Cẩm Xuyên, cũng không mặn mà với việc tái đàn. Chị Nga chia sẻ: Các loại thức ăn gia súc đã tăng 2 đợt, mỗi bao cám loại 25kg tăng bình quân 8.000 đồng, hiện đang ở mức 270.000 – 300.000 đồng/bao. Vì vậy, để giảm chi phí đầu vào, chị phải pha trộn các loại bột sắn, ngô cho đàn lợn ăn nếu không sẽ “cụt” vốn.
Giá thức ăn liên tục tăng từ 8.000 - 10.000 đồng/bao tùy loại
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Nguyễn Khắc Khánh cho rằng: Thời điểm này, đúng vào dịp tái đàn, nhưng giá lợn đang “bập bênh”, chi phí đầu vào tăng cao dẫn đến việc đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thu nhập của người dân.
Theo ông Trần Hữu Đức – Giám đốc Doanh nghiệp phân phối thức ăn gia súc Đức Cần, ở xã Thạch Bình (Tp. Hà Tĩnh), nguyên nhân thức ăn gia súc gần đây tăng liên tục là do nguyên liệu đầu vào tăng. Trong đó, nguyên liệu khô đậu tương tăng 2.000 đồng/kg kéo theo thức ăn gia súc tăng lên 200 – 300 đồng/kg và khả năng còn tiếp tục tăng. Giá lợn hơi giảm, giá đầu vào tăng, nhu cầu chăn nuôi giảm nên số lượng thức ăn bán ra của doanh nghiệp trong đợt này giảm khoảng 50%. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn