00:21 EST Thứ năm, 14/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Điển hình TB, cách làm hay » Trong tỉnh


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Hà Tĩnh huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn

Thứ tư - 11/04/2018 22:00
Không chỉ hăng hái hiến đất, mở đường, người dân khắp các địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh còn trực tiếp thi công, giám sát xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT). Nhờ phát huy hiệu quả chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, tỉnh Hà Tĩnh đã tạo thêm nguồn lực đáng kể, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Người dân và cán bộ xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Đường to, chi phí nhỏ

So với các khu dân cư khác tại xã Thạch Kênh (huyện Thạch Hà), thôn Trí Nang có vị trí khá tách biệt bởi hệ thống đường giao thông cách trở. Mặc dù dài chưa đầy 3 km nhưng tuyến đường nối thôn Trí Nang về trung tâm xã qua nhiều năm vẫn lầy lội khi mưa, bụi mù khi nắng. “Hằng năm, địa phương xây dựng hồ sơ, đưa tuyến đường vào danh mục ưu tiên để tận dụng các chương trình, dự án. Tuy nhiên, do nguồn đầu tư công hạn chế, trong khi đó, tuyến đường có tổng mức đầu tư dự toán hơn 10 tỷ đồng. Vì vậy, mọi việc vẫn chỉ nằm trên bàn giấy”, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kênh Nguyễn Duy Hoàng cho biết.

Trước nhu cầu đi lại cấp thiết của người dân và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, năm 2016, xã đã công khai lấy ý kiến của người dân, thực hiện chủ trương xây dựng tuyến đường về thôn Trí Nang theo cơ chế hỗ trợ xi-măng của tỉnh. Bí thư Đảng ủy xã Thạch Kênh Nguyễn Văn Luận cho biết, chủ trương đưa ra hợp với nguyện vọng của người dân cho nên chỉ trong một thời gian ngắn, chi bộ, ban công tác mặt trận các thôn đã hoàn thành việc vận động người dân góp công, góp sức; thành lập các tổ thi công, giám sát công trình. Chỉ trong vòng bốn tháng, con đường bê-tông dài 2,8 km, mặt đường rộng 3,5 m đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng. “Ngoài nguồn hỗ trợ xi-măng của ba cấp (tỉnh, huyện, xã), UBND xã hỗ trợ thêm cát, sỏi. Việc huy động ngày công của người dân cũng được thực hiện một cách hợp lý. Ban công tác mặt trận thôn giao các tổ liên gia chịu trách nhiệm thi công, giám sát đoạn đường đi qua tổ liên gia của mình. Với các đoạn đường không đi qua khu dân cư, các đoàn thể mặt trận cử thành viên tham gia và chịu trách nhiệm thi công, giám sát những đoạn đường đó”, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Trí Nang nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kênh Nguyễn Duy Hoàng, nếu không kể ngày công đóng góp của người dân thì chi phí đầu tư vật liệu xây dựng cho tuyến đường về thôn Trí Nang dài 2,8 km nằm ở mức 2,3 tỷ đồng; trong đó, nguồn hỗ trợ xi-măng từ ba cấp là 600 triệu đồng, xã hỗ trợ vật liệu xây dựng khác 1,7 tỷ đồng. Nếu tuyến đường này được đầu tư theo các chương trình dự án, đồng nghĩa với việc phải bỏ thêm kinh phí để quản lý dự án, tư vấn, thiết kế… thì tổng mức đầu tư phải hơn 10 tỷ đồng.

Những con đường ở xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh có sự đóng góp tích cực của ngưởi dân về
nguồn vốn và công sức.

Số liệu từ Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh cho thấy, trong năm 2017, thông qua chính sách hỗ trợ xi-măng của tỉnh, các địa phương đã làm mới hàng trăm ki-lô-mét đường GTNT. Nếu làm một phép tính đơn giản: bình quân 1km đường GTNT đạt chuẩn có mức đầu tư khoảng 3 tỷ đồng, năm 2017 tỉnh Hà Tĩnh đã làm mới 623 km đường GTNT, tương đương nguồn kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng. Trong khi đó, Hà Tĩnh chỉ chi 120 tỷ đồng để hỗ trợ xi-măng cho các địa phương; số tiền đầu tư còn lại được huy động từ ngân sách huyện, xã, việc đóng góp ngày công của người dân và chi phí tiết kiệm có được từ việc cắt giảm các thủ tục quản lý dự án.

Nhằm bảo đảm chất lượng các công trình GTNT do người dân trực tiếp thi công, Sở Giao thông vận tải tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động xây dựng các mẫu thiết kế định hình hỗ trợ việc thi công, giám sát ở các địa phương. Hằng năm, Sở mở các lớp tập huấn về thi công, giám sát xây dựng cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Mỗi huyện lựa chọn một tuyến đường để trực tiếp hướng dẫn về quy mô kỹ thuật, các tiêu chuẩn thiết kế, quy trình quản lý chất lượng, bảo trì hệ thống đường GTNT cho cán bộ phụ trách giao thông cấp huyện, xã, bí thư chi bộ, xóm trưởng ở các huyện, thị xã, thành phố… Nhờ đó, các tuyến đường GTNT được xây dựng bảo đảm chất lượng, phù hợp quy hoạch phát triển của địa phương.

Cú huých lớn

Mặc dù diện tích tỉnh Hà Tĩnh không rộng, nhưng với địa hình phân bố đa dạng, phức tạp, các tuyến đường giao thông thường xuyên phải gánh chịu những tổn thất do mưa lũ, vấn đề giao thương, kết nối thông thoáng giữa các vùng, khu vực ở Hà Tĩnh luôn là bài toán khó. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công bị cắt giảm đáng kể, việc tranh thủ, lồng ghép các chương trình dự án để xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là GTNT ngày càng trở nên khó khăn. Trước bối cảnh đó, năm 2013, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành chính sách hỗ trợ xi-măng làm đường GTNT và kênh mương nội đồng. Theo đó, ngân sách ba cấp (tỉnh, huyện, xã) hỗ trợ toàn bộ xi-măng để xây dựng đường GTNT, rãnh thoát nước trên các tuyến giao thông, thủy lợi. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 70%, huyện, xã hỗ trợ 30% còn lại. Thông qua cơ chế hỗ trợ xi-măng, từ năm 2013 đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã làm mới được gần 2.000 km đường GTNT các loại, góp phần giúp 117/230 xã (chiếm tỷ lệ 51%) hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.

Theo Phó Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh Nguyễn Tiến Hùng, sau khi xây dựng kế hoạch làm đường GTNT, bên cạnh việc chủ động cân đối nguồn kinh phí để hỗ trợ kịp thời các địa phương, huyện đã quán triệt nghiêm túc nguyên tắc công bằng, công khai, miễn giảm cho các hộ nghèo, gia đình chính sách trong quá trình huy động nguồn lực từ người dân. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng gia đình, các địa phương có thể vận dụng hình thức đóng góp phù hợp như: Ngày công lao động, tiền, vật tư, vận động nhân dân hiến đất và không bồi thường về cây cối, hoa màu. Trong thực tế, nhiều địa phương triển khai cách làm sáng tạo, vừa huy động được sức dân, vừa giãn được mức đóng góp của người dân. Thí dụ, tại xã Kỳ Tiến (huyện Kỳ Anh), ngoài việc vận động các gia đình ở sát mặt đường tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình để giải phóng mặt bằng, ban công tác mặt trận các thôn kêu gọi những hộ được hưởng lợi từ tuyến đường đóng góp kinh phí, ngày công để hỗ trợ các gia đình khác di dời nhà cửa, công trình kiến trúc. Đối với những thôn có nhiều hộ không đủ điều kiện đóng góp theo định mức thỏa thuận một lần, UBND xã đứng ra tín chấp các cửa hàng vật liệu cho thôn đó mua nợ vật liệu để xây dựng rãnh thoát nước và hỗ trợ các gia đình phải di dời nhà cửa, tài sản. Việc làm này vừa nhận được sự đồng tình của người dân, vừa mang ý nghĩa sẻ chia sâu sắc, góp phần gắn kết tình cảm, trách nhiệm xóm làng, cộng đồng dân cư.

Đồng chí Dương Tất Thắng cho biết: “Chính sách hỗ trợ xi-măng hướng đến mục tiêu từng bước xây dựng, phát triển và quản lý hệ thống đường giao thông bảo đảm thông suốt, đồng bộ, cứng hóa, bền vững, đạt chuẩn về cấp hạng và kết nối liên hoàn với hệ thống đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ nhằm phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo của các địa phương; phấn đấu đến năm 2020 tất cả các xã hoàn thành tiêu chí số 2. Cùng với việc theo dõi, kiểm tra tiến độ, chất lượng đường GTNT, hằng tháng, hằng quý, chúng tôi yêu cầu các địa phương sử dụng tối đa các loại vật liệu sẵn có như cuội suối, cát, đá thải, gạch vỡ... để làm móng đường, lớp đệm với kết cấu phù hợp, nhằm bảo đảm tính bền vững và giảm giá thành công trình”.

Theo Ngô Tuấn/nhandan.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 378


Hôm nayHôm nay : 21208

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 538710

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 70766025