Sự sống dần hồi sinh trở lại nơi tâm bão Kỳ Anh
Ổn định cuộc sống
Cơn bão có sức tàn phá kỷ lục trong gần 30 năm khiến huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh thiệt hại 2.500 tỉ đồng. Đây thực sự là con số mất mát khổng lồ, đặt gánh nặng to lớn cho 2 địa phương, vốn còn nhiều khó khăn sau chia tách địa giới hành chính.
Chia sẻ với vùng tâm bão, các lực lượng vũ trang và cả hệ thống chính trị của 2 địa phương đã vào cuộc đồng bộ nên đến nay việc khắc phục hậu quả do bão đã đạt được nhiều kết quả. Những con đường làng, tuyến phố ngan ngát cây đổ, cột điện chắn ngang nay đã được dọn dẹp, sắp xếp lại. Tại các trường học, trạm xã và các công trình phúc lợi khác, sau hơn 1 tuần tập trung sửa chữa, dọn dẹp, đến ngày 25/9 đều đã trở lại hoạt động, đảm bảo cho 100% học sinh kịp đến trường, bà con nhân dân đến thăm khám.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị...
... cùng sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang...
... và sự nỗ lực của các ngành chức năng, TX Kỳ Anh đã sớm khôi phục đời sống
Theo báo cáo, trong một tuần qua, toàn huyện Kỳ Anh đã huy động được trên 42.000 lượt người tham gia lao động khắc phục hậu quả, ước tính có trên 290.000 ngày công; thị xã huy động trên 8.000 lượt người xuống hỗ trợ các đơn vị, người dân khắc phục, sửa chữa nhà cửa, trường trạm.
Với sự vào cuộc tổng hợp, đông đảo của các lực lượng nên đến nay ở vùng tâm bão, 75 nhà dân bị sập đã được dựng lại; 41.000 ngôi nhà dân bị hư hỏng đến nay cơ bản đã được khắc phục. 12/12 xã, phường ở thị xã Kỳ Anh và 17/22 xã, thị trấn ở huyện Kỳ Anh đã có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Khôi phục sản xuất
Theo Trưởng phòng QLĐT thị xã Kỳ Anh – Nguyễn Thị Hoài Nam cùng với việc khắc phục hậu quả bão, thị xã đã tổ chức vận động bà con nhân dân tập trung khôi phục sản xuất. Trong đó hiện nay cơ bản bà con ngư dân đã ra khơi đánh bắt trở lại để có thu nhập.
Những tàu thuyền bị bão đánh trôi dạt đã được thị xã hỗ trợ phương tiện, vật tư và kinh phí để trục vớt, hiện bà con đang tập trung sửa chữa để ra khơi trong thời gian sớm nhất. Trong 3 ngày gần đây thời tiết khá thuận lợi, ngư dân các xã Kỳ Xuân, Kỳ Phú, Kỳ Khang đánh bắt được mỗi ngày khoảng 50 tấn cá các loại, nhiều nhất cá bạc má và cá cơm...
Theo Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú - Trần Đình Hậu, bão qua đi, trời yên biển lặng, bà con đã tập trung ra khơi bám biển. Sau 1 ngày đêm bám biển, nhiều thuyền đã đánh được cả tạ cá. Nhờ bán được giá nên bà con ít nhiều có điều kiện khắc phục những hậu quả do bão gây ra.
Nông dân xã Kỳ Hưng tranh thủ thu hoạch diện tích lúa hè thu còn lại sau bão
Tại huyện Kỳ Anh, các doanh nghiệp đang tích cực thu mua những diện tích rừng nguyên liệu bị gãy đổ. Trung bình mỗi ngày bà con trồng rừng Kỳ Anh tiêu thụ được 1.800 tấn keo tràm, với mức giá ổn định.
Ông Trần Quang Luận – Giám đốc Công ty TNHH Thanh Thành Đạt cho biết, hiện nay 3 nhà máy đang hoạt động hết công suất để thu mua tối đa gỗ nguyên liệu cho bà con Hà Tĩnh. Về giá cả, để giúp bà con trồng rừng vớt vát phần nào thiệt hại nặng nề mà bão gây ra, công ty sẽ không giảm giá thu mua.
Sau bão, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh cũng đã nỗ lực thu dọn thiệt hại, tiến hành công tác khắc phục, sửa chữa các công trình bị hư hỏng để triển khai sản xuất. Theo đại diện đại lý tôn thép Đức Dũng (thị xã Kỳ Anh), cơ sở đã huy động công nhân tập trung sửa chữa nhà xưởng đã bị bão quật tốc mái hoàn toàn. Trước nhu cầu cấp bách của bà con nhân dân thị xã về tôn thép để khắc phục hậu quả do bão gây ra, đại lý đã kết nối nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu tôn, thép với giá bình ổn để bà con sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống...
Theo báo cáo Ban tiếp nhận cứu trợ của 2 địa phương, tại thị xã Kỳ Anh, đến ngày 20/9 đã có 36 tổ chức, cá nhân động viên, thăm hỏi, hỗ trợ bà con nhân dân với tổng giá trị vật chất gần 3 tỉ đồng; ở huyện Kỳ Anh đã có 20 đoàn cứu trợ về với bà con vùng thiệt hại với tổng giá trị hỗ trợ trên 2,1 tỉ đồng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn