Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nguyễn Văn Trí giới thiệu về chương trình chuyển giao kỹ thuật khôi phục vườn bưởi Phúc Trạch sau lũ.
Bưởi Phúc Trạch là cây ăn quả đặc sản bản địa ở Hương Khê. Tính đến tháng 9/2016, toàn huyện có gần 1.800 ha bưởi. Cuối năm 2016, các vùng trồng bưởi của huyện chịu ảnh hưởng của 6 trận lũ lụt, gây ngập úng trong 26 ngày, kèm theo đó là khí hậu, thời tiết cực đoan diễn biến phức tạp khiến bộ rễ bị tổn thương, nấm xâm nhập gây hại rồi bùng phát thành dịch dẫn đến rễ/cổ rễ cây bị thối, lây lan nhanh, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển.
Lũ lụt, khí hậu cực đoan khiến cây bưởi sinh trưởng, phát triển không bình thường.
Ngoài khoảng 150 ha bưởi bị chết do trôi, đổ, gãy trong lũ, đến tháng 12/2016, có thêm khoảng 100 ha bị chết. Tiếp đó, khi lứa hoa thứ 3 nở rộ (30/3/2017) có thêm 80 ha bị chết và đến 20/5 có thêm 70 ha diện tích bị chết. Trên tất cả các vườn bưởi, 100% cây bị ảnh hưởng bệnh chảy gôm, thối gốc rễ ở nhiều mức độ.
Bệnh thối cổ rễ.
Bệnh chảy gôm.
Bệnh nấm.
Những số liệu trên cho thấy mức độ báo động nguy hiểm của các nguồn bệnh sau lũ lụt đối với cây bưởi Phúc Trạch gồm: bệnh thối gốc, chảy gôm, đốm đen, nấm Phytophthora SP… Việc thu thập, hoàn thiện, chuyển giao cho nông hộ kỹ thuật khôi phục sinh trưởng phát triển và tăng cường quá trình ra hoa, đậu quả của vườn bưởi Phúc Trạch bị ảnh hưởng là rất quan trọng cả trước mắt cũng như lâu dài.
Sâu, bệnh khiến nhiều diện tích bưởi bị chết sau lũ và người dân phải chặt bỏ ngay cả khi bưởi đang ở độ tuổi ra quả.
Chương trình chuyển giao kỹ thuật được thực hiện thí điểm tại các xã Hương Thủy, Hương Giang, Gia Phố, Hương Trạch với quy mô 2,3 ha. Qua triển khai, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng, hoàn thiện tài liệu kỹ thuật khá chi tiết, đầy đủ và có hiệu quả để khôi phục, phát triển và tăng cường khả năng ra hoa, đậu quả.
PGĐ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nguyễn Hữu Ngọc hướng dẫn sử dụng các loại thuốc BVTV trên cây bưởi Phúc Trạch.
Quá trình thực hiện khôi phục sinh trưởng vườn bưởi, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức in ấn 7.000 tờ rơi kỹ thuật, phát hành đến thôn, xã và nông hộ sản xuất; tổ chức 5 đợt tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho khoảng 14.000 lượt người theo hình thức cầm tay chỉ việc. Theo đó, có khoảng 85% nông hộ được chuyển giao đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật. Nhờ đó, có khoảng 300 ha bưởi đã cho quả, 190 ha chưa cho quả nhưng phục hồi bình thường, 630 ha đang phục hồi.
Sản phẩm bưởi Phúc Trạch
Các kỹ thuật tiếp tục được chuyển giao cho người dân và cơ quan chức năng sẽ theo dõi, nghiên cứu diễn biến thời tiết cực đoan trong thời gian tiếp theo.
Theo Dương Chiến/Hà Tĩnh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn