Năm 2013, cầm trên tay tấm bằng đại học chuyên ngành quản lý giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục), Ngô Thanh Lý (xã Xuân Liên - Nghi Xuân) đã rong ruổi mất nhiều tháng trời để xin việc, nhưng không tìm được công việc phù hợp.
Không nản chí, anh về quê sinh hoạt, đảm nhận công việc của một bí thư chi đoàn tham gia các hoạt động tình nguyện và xin làm hợp đồng ở đài truyền thanh xã.
Bằng những kiến thức cơ bản đã được học, tính cần mẫn, chịu khó, anh cố gắng học hỏi, tìm tòi về thị trường, điều kiện khí hậu để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Ngô Thanh Lý với mô hình trồng nấm đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2015, anh mạnh dạn vay người thân và Quỹ Tín dụng nhân dân liên xã Cương Gián - Xuân Liên 150 triệu đồng đầu tư vào sản xuất, đứng ra thành lập tổ hợp tác sản xuất nấm và hoa Lý Sơn với diện tích 600 m2 đất hoang hóa trên địa bàn xã, tạo việc làm cho 13 lao động và 4 hộ nghèo.
Những sản phẩm từ nấm mộc nhĩ, nấm sò và nấm linh chi, cung cấp hoa phục vụ nhu cầu thị trường tại địa phương. Hàng ngày, tổ hợp tác cung cấp ra thị trường hơn 10 kg nấm tươi với giá bán 40.000 đồng/kg. Mô hình đã mở ra hướng làm ăn mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất ở nông thôn.
Nối tiếp nghề làm điện cơ khí của bố, năm 2006, Nguyễn Tiến (Đức Nhân - Đức Thọ) theo học Khoa Cơ khí Trường Trung cấp nghề Đắk Lắk, rồi năm 2008, học liên thông Đại học Lạc Hồng. Sau 6 năm đèn sách, nhận được bằng tốt nghiệp, Tiến xin vào làm kỹ thuật trong các khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh với thu nhập 10 triệu đồng/tháng.
Chưa đầy 2 năm, anh quyết định nghỉ việc về quê lập trang trại chăn nuôi. Quyết định này của Tiến khiến bố mẹ phản đối, anh em ngỡ ngàng, còn dân làng bàn tán xôn xao và có người còn bảo anh “dở hơi”, nghề nghiệp đàng hoàng, lương tháng cả chục triệu lại bỏ về làm nông dân.
Nói thì dễ, nhưng từ ý tưởng đến thực hiện không hề dễ dàng. Để gỡ khó về nguồn vốn, Tiến vận động bố mẹ vay mượn hàng xóm và được Huyện đoàn Đức Thọ hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm 100 triệu đồng, cùng với một số vốn tích lũy từ trước, anh đã đầu tư làm trang trại theo mô hình V.A.C, trong đó, đối tượng nuôi là trâu, bò, gà và cá. Trừ mọi chi phí, hàng năm, Tiến thu lợi khoảng 200 triệu đồng từ mô hình trang trại này. Ngoài ra, Tiến còn nhận thầu xây dựng các công trình trang trại, điện…, qua đó, vừa áp dụng được kiến thức đã học, vừa kiếm thêm thu nhập mỗi tháng hàng chục triệu đồng và giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong xã.
Chia sẻ lý do rời phố với công việc và thu nhập ổn định để về quê của mình, Tiến bảo: “Có không ít sinh viên sau khi học xong đại học quyết bám trụ lại thành phố để làm việc. Hoặc do điều kiện, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhiều thanh niên nông thôn đã chọn con đường ly hương để lập nghiệp, đổ xô vào các khu công nghiệp ở miền Nam làm thuê. Tuy nhiên, như thế không thể chủ động được tương lai của mình. Trong khi ở quê, nếu mình biết tận dụng những lợi thế của địa phương để làm giàu thì không khó. Vì vậy, tôi quyết định chọn con đường trở về quê để lập thân, lập nghiệp”.
Tốt nghiệp cử nhân ngành du lịch, nhưng Nguyễn Ngọc Tấn (SN 1975, ở xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh) lại "bén duyên” với nghề nông và hiện là ông chủ của trang trại nuôi bò theo hướng tập trung rộng gần 33 ha, thu tiền tỷ mỗi năm và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Ảnh: Thu Trang.
Mỗi năm, toàn tỉnh có hàng nghìn cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp, trong đó có khá nhiều người không tìm được việc làm hoặc làm trái ngành nghề và cuộc sống rất khó khăn. Do đó, có hàng trăm người trẻ đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế.
Ông Nguyễn Xuân Thái - Phó Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Mong muốn có việc làm ổn định ngay trên quê hương là ước vọng chính đáng của rất nhiều người trẻ. Để thu hút trí thức về quê làm giàu, chung sức xây dựng quê hương, tạo hướng làm ăn mới, rất cần sự chung sức của các cấp, ngành. Trong đó, ngoài các chính sách hỗ trợ, kích cầu, cần nhất là việc tạo nguồn vốn vay để những người có trí thức và nhiệt huyết có thể hiện thực hóa ước mơ làm giàu trên quê hương.
Giang Nam/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn