Xác định vai trò của người đứng đầu, nhiệm vụ sẽ hết sức nặng nề, nhất là trong việc lãnh đạo thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước nên ông Sửu đã nói chuyện trước với vợ con.
Ông kể: “Tôi đã nói với vợ con rằng, làm việc tập thể là lấy lợi ích tập thể trên lợi ích cá nhân, chí công vô tư, tận trung với công việc, mình phải chịu thiệt thòi. Nói thế để vợ và con thấu hiểu cho công việc của mình. Trước hết, phải nhận được sự chia sẻ, đồng hành của các thành viên trong gia đình thì mình mới toàn tâm toàn ý lo cho công việc tập thể được”.
Được gia đình ủng hộ, ông Sửu dồn hết mọi tâm huyết cho nhiệm vụ mới. Việc đầu tiên là củng cố chi bộ. Muốn chi bộ mạnh thì phải có những đảng viên có trách nhiệm. Do vậy, ông luôn quan tâm đến công tác tư tưởng và thực hiện phê và tự phê đối với cán bộ đảng viên.
Chi bộ thôn 2 có 22 đảng viên. Cũng như trước đây, mỗi tháng chi bộ tổ chức sinh hoạt 1 lần nhưng kể từ khi ông Sửu làm bí thư thì chất lượng sinh hoạt khác hẳn. Chi bộ giao nhiệm vụ cho từng đảng viên phụ trách các đoàn thể.
Mỗi kỳ sinh hoạt, mỗi đảng viên tự kiểm điểm, phê và tự phê về thực hiện nhiệm vụ của mình gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhờ vậy, chất lượng đảng viên ngày càng được nâng cao. Nhiều đảng viên trước đây chỉ đi sinh hoạt cho có mặt, nay rất hăng hái tham gia nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều đảng viên trẻ tuổi ngày càng gắn bó và có trách nhiệm với địa phương hơn.
Tận tâm, trách nhiệm và có phương pháp lãnh đạo hiệu quả nên từ khi ông Sửu làm bí thư đến nay, chi bộ thôn 2 (Cẩm Minh) luôn đạt danh hiệu chi bộ trong sạch vững mạnh. Cá nhân ông Sửu được tôn vinh là bí thư chi bộ tiêu biểu của tỉnh.
Nhiều người vẫn thường gọi thôn 2 (Cẩm Minh) là làng Thạch Lạc, bởi vì người trong thôn chủ yếu là từ Thạch Lạc di dân lên đây làm kinh tế mới. Hồi đầu, cả thôn có 54 hộ di dân lên nhưng đến nay đã phát triển lên 178 hộ.
Ông Sửu chia sẻ: “Là vùng khai hoang làm kinh tế nên cũng có những đặc thù riêng. Đồi núi nhiều, đường sá nhỏ, quanh co, quy hoạch tự phát. Vườn tược của người dân thì rộng và rậm rạp. Vì vậy, khi xã giao cho nhiệm vụ xây dựng khu dân cư (KDC) kiểu mẫu đầu tiên của xã thì hầu hết cán bộ, đảng viên và nhân dân đều không đồng tình vì nghĩ không làm được. Nhưng nhiệm vụ Đảng giao thì không thể từ chối. Xã đã tổ chức cho cán bộ và đại diện nhân dân đi tham quan các KDC kiểu mẫu trong tỉnh để tạo thêm động lực, đồng thời cũng từ đó thay đổi nhận thức của đảng viên và tuyên truyền cho nhân dân hiểu”.
Bà Nguyễn Thị Thu - một người dân trong thôn nhớ lại: “Khi đến KDC kiểu mẫu Yên Mỹ (Cẩm Yên) tham quan, ai nấy đều tròn mắt. Thôn đẹp như tranh, ai mà không thích nhưng mọi người vẫn cứ nghĩ là thôn 2 không thể làm được như họ. Mà nói thật, nếu không có ông Sửu thì thôn không làm được. Ông ấy dành hết mọi thời gian và sức lực để xây dựng KDC kiểu mẫu. Tuyên truyền, vận động đã đành rồi nhưng nhìn ông ấy làm mọi người không thể không làm theo được. Có hôm mưa gió dân nghỉ, một mình ông cũng kéo một xe bò chở cây chuỗi ngọc để trồng hai bên các tuyến đường”.
Hiểu người dân địa phương nên ông Sửu làm nhiều hơn nói. Có những việc, ông lăn xả làm trước rồi nói sau. Bí thư tiên phong gương mẫu, các đảng viên cùng hưởng ứng theo. Có những đảng viên như ông Trần Trọng Luyến đã phải múc cả cái móng nhà với 11 cột trụ kiên cố để hiến đất mở rộng đường.
Có những người dân gay gắt chống đối không cho máy múc bụi tre để giải phóng hành lang an toàn giao thông nhưng khi thấy xe bồn chạy vào nhà bên cạnh đổ bê tông rồi cũng tự hiểu ra vì sao phải mở đường rộng. Thậm chí, có nhiều người dân nhận thức còn quá hạn chế, đã tìm đến nhà ông Sửu chửi bới nhưng ông chỉ cười trừ rồi sau đó mọi việc cũng được hóa giải bằng lợi ích của chính họ.
Đảng viên tiên phong gương mẫu, tạo được khối đoàn kết trong dân nên phong trào xây dựng KDC kiểu mẫu thôn 2 nhanh chóng đẩy lên thành cao trào. Tất cả người dân trong thôn đều đồng loạt hiến đất mở đường và chung sức, góp công xây KDC kiểu mẫu. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, người dân thôn 2 đã hiến đến hơn 20.000 m2 đất để mở rộng đường theo tiêu chí NTM. 3 trục đường chính của thôn đều được mở rộng từ 2,5 – 3 m lên tới 7m và đều được bê tông hóa; 7 đường trục ngang trong thôn được mở rộng từ 2m lên 5m. Người dân còn đồng loạt ra quân cải tạo vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ.
Riêng ông Sửu, kể từ khi xây dựng KDC kiểu mẫu, nắng cũng như mưa, cứ 4h30 sáng là ông đã đi dọc các tuyến đường trong thôn. Việc mà ông kỳ công nhất đó là trồng cây làm hàng rào xanh dọc các tuyến đường. Để hạn chế nguồn thu cho dân, ông đã tự mình đóng bầu, ươm giống và nhân ra tất cả các tuyến đường.
“Thời làm công nhân cho rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh, mình đã thành thạo việc ươm cây giống. Có những thời điểm, làm một mình không kịp số lượng để trồng nên phải thuê thanh niên đến đóng bầu giúp. Tiền thuê thì mình lấy phụ cấp chức vụ bí thư ra trả. Tổng cộng cũng được khoảng 7.000 bầu. Mình tự triển khai làm thì hết không bao nhiêu nhưng nếu đi mua cả thì lại thêm khoản đóng góp từ người dân”, ông Sửu nói.
Mỗi tháng ông Sửu được nhận 1,4 triệu tiền phụ cấp chức vụ bí thư chi bộ. Cộng thêm, ông còn được hưởng trợ cấp thương bình ¾. Tuy số tiền không là bao nhưng ông Sửu luôn tâm niệm dù sao mình cũng có phụ cấp và trợ cấp hàng tháng nên còn có để mà trích ra một ít mua kẹo, nước động viên bà con làm phong trào. Với bà con, nếu được khích lệ tinh thần thì việc gì rồi cũng hoàn thành.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn