Tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin, Đại học Đà Nẵng năm 2011, 6 năm thử sức với nhiều nghề ở miền Nam, đến tuổi 32, Nguyễn Văn Long quyết định lập nghiệp ở quê hương, Hà Tinh ngay tại nhà mình với vườn lan rừng rộng hơn 300m2.
Giàn khung 2 tầng, cách mặt đất 2m, 4 phía phủ lưới che mát hiện đang có hơn 2.000 gốc lan với hơn 30 loại, lấy giống từ các rừng tự nhiên trong nước và Lào, Thái Lan, Myanma...
Công việc bắt đầu từ những chuyến tìm kiếm, sưu tầm, thiết kế những mẫu gỗ làm giá bám cho các loại lan rừng.
Rồi ghép những chồi lan đã được xử lý lên những thân cây gỗ một cách phù hợp, đẹp mắt.
Lan Nghinh Xuân trên thân gỗ cây vú sữa (ảnh) là sản phẩm chủ lực của vườn lan rừng do anh Nguyễn Văn Long làm chủ.
Phi Diệp tím - loại lan rừng khó tính nhưng nhiều người chơi lựa chọn - được anh Long trồng với số lượng lớn. Giỏ lan Phi Điệp tím loại nhỏ cũng được giá 1 triệu đồng, giỏ nhiều cây trung bình giá hơn 6 triệu.
Lan Kiều Vuông từ rừng tự nhiên Lào
Lan Hoàng Lạp còn có tên Hoàng Đế, Hoàng Lan
Lan Hoàng Thảo Vôi lấy giống từ rừng Myanmar
Tháng 3, tháng 4 là mùa lan Hoàng Thảo Kèn nở rộ.
Mỗi loại lan rừng một tính, đòi hỏi kỹ thuật khác nhau, nhưng đều tươi tắn, đầy sức sống nhờ có bàn tay chăm sóc tỷ mẫn của ông chủ vườn. Anh Nguyễn Văn Long cho biết: Tất cả thời gian tôi đều dồn hết cho vườn lan. Cả ngày không rời vườn lan, có lúc đêm khuya chợt tỉnh dậy lại ra ngắm những bông lan rừng trong đêm.
Và khi những giò lan đẹp đến với khách hàng, anh Long miệt mài ươm những chồi cây mới với mong muốn nhân lên cái đẹp và mang vẻ tinh khiết, thanh cao của lan rừng đến với muôn nơi.
Anh Long được nhiều người trồng lan ở thành phố Hà Tĩnh mời làm người tư vấn, chăm sóc vườn lan tại nhà. Nghề dịch vụ này đang giúp anh có thêm thu nhập để tiếp tục đầu tư phát triển mô hình, vừa mang lại giá trị thu nhập cao, vừa thỏa niềm đam mê với cây lan rừng.
Theo Mai Thuỷ/BaoHaTinh.VN