03:54 EST Thứ bảy, 23/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Điển hình TB, cách làm hay » Trong tỉnh


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Lộc sinh ra từ làng

Thứ bảy - 14/01/2017 21:45
Vùng đất xã Sơn Thủy (Hương Sơn - Hà Tĩnh) của tôi người ta thường gọi là làng đồi, bởi đến nơi nào cũng thấy những ngọn đồi lúp xúp và cây trái sum suê. Nhờ vậy mà ở đây nghề nuôi hươu phát triển sớm nhất trong cả nước. Hiện nay, ở Sơn Thủy, số hộ nuôi hươu lấy lộc nhung đã chiếm tới 2/3. Đây cũng là nơi có chất lượng nhung hươu tốt nhất vì hươu được ăn đầy đủ các loài lá cây thích hợp.

Người nuôi hươu “có nghề” đầu tiên

Từ thuở lẫm chẫm biết đi, trong ký ức tuổi thơ tôi không bao giờ quên được hình ảnh con hươu sao của nhà ông Võ Trị. Nhà ông Trị cách nhà tôi khoảng 3 km, thuộc xóm 6, khu vực dưới chân rú Nầm của xã Sơn Thủy. Mỗi năm, cứ đến tháng 8, trời lại đổ mưa sầm sầm.

loc sinh ra tu lang

Hươu sao Hương Sơn được thuần hóa. Ảnh: Đậu Bình

Lụt tới. Chao ôi là lụt! Nước trắng bờ trắng bãi, khi mọi người tất tả lo chạy lụt thì ông Trị vẫn “bình chân như vại” vì nhà ông đã dồn tâm, dồn sức suốt hàng chục năm để huy động người trong gia đình đắp xây nền nhà và lũ to nhất cũng chỉ mấp mé sân. Chuyện ông Trị tránh lụt nghe đã ghê nhưng chuyện người đầu tiên đưa hươu về nuôi mới khiến dân cả làng bái phục.

Tôi đã nghe bố tôi và mấy cụ ở Tàu Sơn kể: Ngày xưa, ở làng cũng có một vài người đi săn và bẫy được hươu, nhưng do chưa biết cách chăm sóc và thuần dưỡng nên hươu không sống được. Vài gia đình khác lại do chuồng không đảm bảo để hươu rướn cổ ra khỏi chuồng và chạy ra giữa đồng. Cả làng ùa ra đuổi và dùng mác nhọn phóng vào thân thể nó. Con hươu bị trọng thương. Dường như tất cả những chuyện ấy ông Trị là người mắt thấy tai nghe. Nhưng ông vẫn nung nấu nghề nuôi hươu bằng một tư duy mới cho đến hàng chục thập kỷ sau mọi người cũng phải học tập.

Ông Trị nuôi hươu không vay ngân hàng và cũng chẳng ký nợ ai. Buổi đầu, ông lập vườn cau, đưa cau xuống chợ Bè, chợ Thượng bán. Có vốn, ông gom cau khô ở quê bán cho các tư thương kiếm thêm lãi. Ông nuôi lợn tăng đàn, nuôi trâu, trâu đẻ thêm nghé. Đấy là cuộc hành trình của một nông dân miền đồi cận thủy từ những năm 1960. Chẳng hiểu ông học được sách nào, chứ cái chuồng hươu của ông làm rất kiên cố, mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm. Chuồng được ngăn làm 2 ô hình chữ nhật bằng gỗ tốt. Xây cái nền chuồng để hươu tránh được lũ, gia đình ông Trị đã dành trọn cả 3 mùa nam nắng để đắp tôn cao phải đến hàng trăm gánh đất. Trong gia đình, ông đã ban hành một quy định khá nghiêm ngặt về vệ sinh chuồng trại cho hươu, kiểm tra thức ăn mỗi ngày.

Từ ngày nhà nuôi hươu, vườn bỗng dưng đậm đặc thêm màu xanh của các loại lá mít, núc nác, sung, rau khoai lang... Những loài lá ấy hươu ăn không bao giờ chán. Con hươu dầu ở rừng hay ở nhà, bản tính nó rất thích ăn loại cây mới nẩy lá chồi tươi, đặc biệt là loại cây có mủ. Hươu nhà ông Trị chẳng mấy khi bệnh tật bởi vì tính cẩn trọng của ông. Nước không sạch, không cho hươu uống, cỏ và lá không sạch, không cho hươu ăn. Hươu là động vật rất sợ tiếng động lớn, thành thử kể cả khách đến thăm chuồng cũng phải nhón chân nhẹ nhàng.

Hươu đã không phụ công sức chăm bẵm của gia đình ông Trị. Thế nên, tiếng ông Trị nuôi hươu dần dần lan rộng trên địa bàn huyện Hương Sơn. Bắt đầu từ một con hươu đực, sau mấy năm, ông Trị đã có vốn để nuôi thêm hươu cái. Cứ thế, trong chuồng năm nào cũng có 2 cặp “vợ chồng” hươu, mỗi năm xuất chuồng 2 con. Từ nhung hươu và hươu giống, mỗi năm ông thu lãi tính ra làm được 4-5 ngôi nhà gỗ mít. Những người nuôi hươu như ông Trị hồi đó cả huyện chỉ vài chục gia đình và cũng được Nhà nước ưu đãi đặc biệt. Bán nhung và hươu giống cho Nhà nước, Nhà nước cấp sổ gạo cho người nuôi hươu. Mỗi con hươu được cấp 13 kg gạo mỗi tháng. Riêng ông Võ Trị được xã Sơn Thủy bầu là “phụ lão 2 giỏi”, bằng khen của huyện, của tỉnh dán đầy nhà với thành tích “có công đóng góp nguồn dược liệu quý cho Nhà nước”.

Anh thương binh lập trại nuôi hươu

Năm ngoái vào Hà Tĩnh thăm em, chị tôi nói: “Dượng biết anh Đoàn Đạng con bà Học chứ. Bây giờ đời sống anh thuộc diện sung túc nhất đội ở xứ Cơn Nen - Cơn Ngát đấy. Anh Đạng khá lên từ cái ngày hươu “rớt” giá. Hươu lúc đó rẻ tới mức bán 1 con trâu là mua được 2 con hươu. Thế là anh Đạng đang nuôi trâu chuyển ngay sang nuôi hươu”.

loc sinh ra tu lang

Con hươu đực của nhà ông Đoàn Đạng mới năm cho lộc hơn 8 triệu đồng

Trăm nghe không bằng một thấy, tháng 5 vừa rồi, nhân về thăm bà ngoại, tôi quyết định đến nhà anh Đạng chơi. Thật bất ngờ, đồi Cơn Ngát, chỗ mà chúng tôi thường tụ tập tới chăn bò, hái sim bây giờ cả khu đồi bật dậy một sức sống, mỡ màng cây trái. Đồi rộng trên 2 ha. Anh bảo: “Cả khu này là vườn mình đấy. Mình vào đây vừa tạo lập trại, vừa để nuôi hươu”. Anh Đạng tâm sự tiếp: “Mình là thương binh nhưng đang còn sức để sản xuất. Mình nghĩ phải thay đổi cuộc sống bằng nghề chăn nuôi và làm vườn. Từ trước tới nay, con hươu vẫn là động vật quý. Ngày trước, nhà giàu mới có tiền nuôi hươu, bây giờ gia đình nào cũng có thể nuôi được. Riêng mình, nhờ lúc hươu xuống giá mới chớp thời cơ để nhân giống”.

Sau khi được thưởng thức những quả mọng trong vườn, anh Đạng mời tôi ra thăm đàn hươu. Thoáng thấy bóng người lạ, con hươu rướn cổ lên chạy vòng quanh chuồng. Anh Đạng gọi hươu: ‘’Lộc! Lộc!”. Thế là nó đứng im ngơ ngác nhìn cả khách lẫn chủ. Anh Đạng đưa bàn tay gãi gãi vào đầu vào tai nó và nói: “Tiền thuốc men lúc đau ốm nằm viện, tiền con cái học hành rồi sửa chữa nhà cửa nhờ vào mấy chú lộc này đây”.

Tôi đi theo anh suốt gần 2 tiếng đồng hồ, bắt đầu là bước lên đỉnh đồi. Chỗ này anh trồng khoai, chỗ kia anh trồng lạc, rồi mít, dứa, khế, ổi, đu đủ và các loài cây khoái khẩu dành cho hươu. Anh Đạng bảo: “Nuôi hươu phải học được cách của cha ông mình. Hươu càng ăn nhiều lá và cỏ non thì lộc càng tốt. Hươu cái khi sinh nở cho ăn thêm cháo ngô, cháo gạo nếp. Cái chi hươu cần tôi cũng chiều được tất”.

Con hươu là động vật dễ tính nhất và nó không ngốn thức ăn nhiều như trâu, bò nên ai cũng có thể chiều được. Tính ra mỗi mùa cắt lộc, 1 cặp nhung bán ra từ 3-4 triệu đồng, với 10 con hươu, gia đình anh Đạng cũng thu hoạch mỗi năm 30-40 triệu đồng. Ngoài việc lập vành đai xanh mênh mông, anh Đoàn Đạng còn khai khẩn thêm những vạt đất hoang hóa dưới chân đồi để trồng thêm cỏ mật. Tôi ngợp mắt khi đứng trước đồng cỏ xanh non mơn mởn. Mỗi ngày, chị Minh, vợ anh Đạng cứ đưa liềm xuống là đủ cả 4 gánh cỏ đầy, chả cần phải đi dò dẫm kiếm cỏ trên đồng. Một điều đặc biệt của anh Đạng và những người nuôi hươu làng này là không bao giờ cho hươu ăn những loại cây nhiễm nước mặn và họ cự tuyệt với nguồn thức ăn gia súc được chế biến từ các nhà máy. Theo quan điểm của họ, loài hươu tuy được thuần dưỡng trong chuồng nhưng nguồn thức ăn càng mang tính hoang sơ tự nhiên bao nhiêu thì hươu không những tăng thêm tuổi thọ mà nhung càng được khách hàng ưa chuộng bấy nhiêu.

Cả làng nuôi hươu

Bây giờ đặt chân tới xã Sơn Thủy, ai cũng thấy ngạc nhiên khi nghề nuôi hươu lại phát triển cực thịnh. Từ xóm trong, xóm ngoài, nơi nào cũng có gia đình nuôi hươu. Theo thống kê: Năm 1979, cả xã mới chỉ có 5 hộ nuôi hươu, đến năm 2008, số lượng hươu cả xã 950 con. Năm 2016, số hươu lên đến 2.000 con, chiếm 1/6 tổng số hươu trong toàn huyện Hương Sơn. Tôi đến thăm chị Diệp (xóm 13), chị không giấu được niềm vui: “Nhung nhà cháu năm nay mới chỉ bán 2 cặp thôi cũng được ngót ngét 8 triệu đồng, đầu mùa giá nhung hơn 1 triệu đồng/lạng, chính vụ, giá nhung ở mức 900 ngàn đồng/lạng nhưng khách tứ phương vẫn đổ về Sơn Thủy mua bởi nguồn thức ăn cho hươu ở đây sạch nhất. Không ai dùng “cám Con Cò” cho hươu ăn đâu”. Tôi nghĩ đấy cũng là một trong những điểm mạnh của làng tôi để giữ khách hàng lâu dài.

Khác hẳn với cung cách ngày xưa hình thức nuôi không theo kiểu “liên gia, liên hộ” nữa. Có nhà cha nuôi hươu, con trai nuôi hươu và con rể cũng nuôi hươu. Nhưng vốn ai rành mạch người nấy. Phải nói rằng, nuôi hươu ở xã Sơn Thủy này nhiều gia đình có đủ điều kiện thuận lợi. Người con đi lao động xuất khẩu nước ngoài về cho gia đình vài ba chục triệu, thế là gây giống được một đàn. Người nghèo muốn nuôi cũng không nan giải lắm bởi có “bà đỡ” ngân hàng hay quỹ “xóa đói giảm nghèo” trợ giúp. Với mức giá chưa quá 10 triệu đồng/con nên người nghèo mới có cơ may nuôi hươu. Trước đây, chỉ cần hươu trở dạ, đau bụng hoặc gặp sự cố khi ăn mắc vỏ cây ở cuống họng phải chết một cách oan uổng. Bây giờ, hươu đau đã có bác sĩ thú y đến chữa bệnh tại nhà nên các gia đình an tâm hơn.

Khi tôi đặt câu hỏi với thằng Nỉ, đứa cháu ngoại tôi: “Hươu giống và nhung có dễ tiêu thụ không, sao mà người ta đua nhau nuôi hươu nhiều thế?”.

Nỉ bảo: “Thú thật với cậu, Sơn Thủy là thủy tổ của hươu sao, nhung hươu và giống hươu đều rẻ, chất lượng lại cao. Nhiều nơi họ chỉ cho ăn độc nhất cỏ hoặc ngô gạo thì lộc sẽ không tốt bằng khi hươu ở đây được ăn đủ các loại lá cây có mủ trắng. Những thứ cây ấy chỉ có đất ni mới nhiều”...

Dẫu bận mấy thì bận, cứ đến tiết cuối xuân, đầu hạ, tôi lại tranh thủ về quê, chả là mùa cắt lộc nhung. Gần như một cuộc hội ngộ vui hơn tết. Để chuẩn bị cho việc cắt nhung, chủ nhà mượn mươi thanh niên trai tráng và chuẩn bị sẵn vài lít rượu ngon. Nhiều khách lạ ở Hà Nội, Sài Gòn tới mua nhung tươi đã nhiều lần cụng ly và nhâm nhi cùng chủ. Việc tự sản, tự tiêu nhung hươu như bó chè, quả na, quả mít đã trở thành chuyện muôn năm của mọi người. Từ chuyện người nuôi hươu, tôi lại nghĩ: Dẫu con hươu có lúc đã bị phũ phàng nhưng rồi cái gì sự thật cũng phải được trở lại giá trị đích thực.

Người làng tôi nằm dưới lũy tre xanh không ai tới cho bổng lộc, chỉ có lấy lộc từ con hươu mà mình thủy chung với nó.

Thế Cải/baohatinh.vn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 381


Hôm nayHôm nay : 55304

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1027472

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 71254787