Thực hiện các nội dung Nghị quyết 22-NQ/TW về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, thời gian qua, cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức học tập, quán triệt một cách kịp thời, nghiêm túc đến tận cán bộ, đảng viên; xây dựng, ban hành nhiều văn bản tổ chức triển khai các nội dung của nghị quyết phù hợp, sát với đặc điểm tình hình của từng địa phương, đơn vị.
Nghi quyết 22 đã tạo được chuyển biến tích cực, nâng cao trách nhiệm, sự quan tâm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đối với việc nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên. So sánh với nhiệm kỳ 2010-2015 với nhiệm kỳ 2015-2020, trình độ chuyên môn trên đại học tăng 5,48%; đại học, cao đẳng tăng 13,8%, số chưa qua đào tạo giảm 11,7%; trình độ lý luận chính trị, cử nhân cao cấp tăng 7,24%, chưa qua đào tạo giảm 7,25%.
Cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm, chăm lo và hướng về cơ sở nhiều hơn, nhất là xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy.
Sau 5 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, nhận thức về vai trò, vị trí và trách nhiệm đối với công tác dân vận của các tổ chức trong hệ thống chính trị được nâng lên. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.
Nội dung công tác dân vận đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ phát triển KT-XH. Phương thức vận động quần chúng có nhiều đổi mới, sát thực, hiệu quả, gắn tuyên truyền, vận động với chăm lo lợi ích thiết thực cho nhân dân....
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tổ chức thực hiện nội dung các nghị quyết còn những tồn tại, hạn chế. Các đại biểu đã thảo luận kỹ các phương hướng, giải pháp căn cơ, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh nhà để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nội dung các nghị quyết 22, 25.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đề nghị các đại biểu tiếp tục góp ý bằng văn bản cho dự thảo báo cáo, nhất là những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm và những kiến nghị, đề xuất sát, đúng. Nội dung của 2 nghị quyết này sẽ tiếp tục được triển khai lâu dài, xuyên suốt, do đó, các địa phương, đơn vị phải nắm đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp có trong báo cáo để thực hiện.
Đi sâu vào từng nghị quyết, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, mỗi đảng bộ, chi bộ cần phải nhận thức rõ được vấn đề này để hết sức quan tâm, chăm lo. Qua thực tế nơi nào đảng bộ mạnh, chi bộ mạnh thì nơi đó sẽ vững bền toàn diện và ngược lại, do đó, cần tập trung cao cho việc nâng cao chất lượng chi bộ đảng. Trong sinh hoạt, cần phải phát huy tối đa dân chủ trong Đảng; trong tổ chức thực hiện, cần phát huy vai trò các tổ chức chính trị trong Đảng để làm cầu nối giữa Đảng với dân, nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
Đối với công tác dân vận trong tình hình mới, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Những năm qua, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả to lớn trong vận động nhân dân thực hiện tốt công tác GPMB, xây dựng NTM, bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp, công tác khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển...
Tuy vậy, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, ở một số địa phương, đơn vị công tác dân vận còn yếu kém, hạn chế. Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, cần phải xác định dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tăng cường hơn nữa công tác đối thoại.
Về các nhiệm vụ trước mắt, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương đôn đốc đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ hè thu; tập trung cao cho công tác thu ngân sách, nhất là thu nội địa; nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao; tăng cường bám nắm địa bàn, đảm bảo ANTT... |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn