Vừa đi ông Lương vừa kể cho chúng tôi nghe hành trình để có được cơ ngơi như bây giờ. Năm 1980, gia đình ông được nhận 7ha đất đồi núi lâm nghiệp. Buổi đầu, tuy đất đai rộng lớn nhưng ông chỉ trồng keo, cây tạp, thu nhập chẳng đáng là bao nên cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Cho đến khi có chương trình XDNTM gắn với chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương, gia đình ông quyết định xóa bỏ vườn tạp, quy hoạch phát triển diện tích đất canh tác theo mô hình kinh tế trang trại. “Trong đó, tôi dành 2ha trồng cam, 4ha xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi. Hiện, tôi đã xây dựng 700m2 chuồng trại, khoanh vùng 2,5ha hàng rào bảo vệ thành khu rừng bán hoang dã để nuôi thả lợn rừng, vịt trời, gà rừng và chim trĩ”, ông Lương nói.
Theo chân ông Lương xuống tận nơi để chứng kiến kết quả mà gia đình đã tạo dựng được, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng. Những dãy chuồng nuôi lợn rừng được bố trí ngăn nắp, gọn gàng, 11 con lợn nái và hàng trăm con lợn thương phẩm chuẩn bị xuất chuồng bán theo đơn đặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán. Ngoài ra, trang trại của ông còn có hàng ngàn con vịt trời, gà rừng, mỗi con cân nặng trên dưới 1kg. Ông Lương bật mí, ông không phải mua giống vịt trời, gà rừng mà có bí quyết để vịt đẻ và ấp nở lấy giống nuôi, bí quyết này không phải ai cũng làm được.
Nói về quy mô, ông Lương cho biết: “Gia đình đã bỏ ra gần 3 tỷ đồng để xây dựng và quy hoạch mô hình trang trại chăn nuôi này. Đầu năm 2014, đã xuất chuồng đạt doanh thu trên 600 triệu đồng”. Dự tính, dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ông sẽ cho xuất chuồng khoảng 350 con lợn rừng thương phẩm, 2.000 con vịt trời và trên 100 con chim trĩ. Gần Tết, giá sản phẩm thịt lợn rừng bán ra khoảng 200.000 đồng/kg, gà rừng 350.000 đồng/kg, vịt trời 200.000 đồng/kg, chim trĩ 350.000 đồng/kg nên chắc chắn gia đình cũng có một nguồn thu khá lớn.
Chia sẻ về kinh nghiệm làm trang trại chăn nuôi tổng hợp, ông Lương cho biết: “Nuôi động vật hoang dã không giống như nuôi động vật bình thường nên không thể áp dụng theo hướng chăn nuôi công nghiệp mà chủ yếu là cho ăn rau, củ, quả và một số sản phẩm phụ của nông nghiệp như: cám xay từ cây đậu, lạc, ngô... Trang trại chăn nuôi tuy được thiết kế theo mô hình khép kín nhưng vẫn đảm bảo tính hoang dã để vật nuôi dễ thích nghi”.
Khi tôi hỏi về hướng phát triển của trang trại trong thời gian tới, ông Lương hồ hởi nói: “Năm 2015 tôi sẽ mở rộng thêm quy mô trang trại với 500 - 700 con lợn rừng, 15.000 - 20.000 con vịt trời, 500 con gà rừng và hơn 1.000 con chim trĩ. Ngoài ra, tôi còn dự định nuôi thêm chồn hương, giun quế, trồng thêm một số cây dược liệu quý hiếm như sâm ngọc linh và các cây thuốc để phấn đấu đưa doanh thu đạt trên 6 tỷ đồng. Trang trại hiện giải quyết việc làm cho 4 lao động với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng”.
Điều trăn trở của ông Lương hiện nay là vốn đầu tư cho trang trại, ông rất mong được các cấp, ngành tạo điều kiện để được vay vốn phát triển và mở rộng quy mô trang trại, giúp con em địa phương có thêm việc làm và thu nhập ổn định, góp phần vào công cuộc XDNTM.
Công Lâm
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn