Gần 3 tháng trời không mưa, nắng nóng trên dưới 40 độ C kéo dài hàng chục ngày nhưng khu vườn mẫu của gia đình ông Phan Đình Thuynh và bà Phan Thị Quyến ở thôn Trần Phú vẫn nguyên một màu xanh, phát triển bình thường; bà Quyến vẫn có sản phẩm đi chợ đều đặn hàng ngày.
“Không có bí quyết gì lớn đâu, chỉ cần đầu tư để chủ động nguồn nước, biết cách tưới nước và giữ nước ổn định đối với từng loại cây trồng là có thể duy trì được sự phát triển bình thường của cả vườn cây, kể cả khi nắng hạn gay gắt nhất” - ông Thuynh chia sẻ.
Nói là vậy, chứ để thực hiện được bí quyết này của ông Thuynh thật sự không hề đơn giản. Đi sâu vào tìm hiểu kỹ thuật phòng chống hạn cho cây trồng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của người làm vườn lão luyện này, chúng tôi mới thấy được nghề làm vườn cũng hết sức công phu.
Mỗi gốc cây dài ngày đều được ông Thuynh bố trí một vòi nước tưới dẫn từ nguồn giếng khoan
Với diện tích khu vườn trên 1.000m2 phủ kín các loại cây, ông Thuynh đầu tư khoan 2 giếng tưới, lắp đặt máy bơm công suất cao. Nguồn nước từ giếng được phân bổ đều khắp diện tích vườn qua hệ thống ống dẫn bằng nhựa chạy ngầm dưới mặt đất. Đối với mỗi gốc cây dài ngày như: ổi, táo, mít, cam, chanh..., được bố trí một vòi nước tưới.
Đặc biệt, trước khi trồng cây, ông chôn ngang mặt đất quanh gốc một chiếc lốp xe máy cũ, đóng vai trò như một chậu cây không đáy giúp quy tụ nguồn nước tưới cho cây. Còn đối với các loại cây ngắn ngày như rau, đậu, lạc, vừng…, ông gieo trỉa ngay hàng thẳng lối rồi đánh rãnh sâu, đều để tạo thành kênh mini dẫn nước tưới đến từng luống.
“Kinh nghiệm của tôi là trong điều kiện nguồn nước có hạn, không tưới dàn đều cùng lúc đối với tất cả các loại cây trồng mà tuới luân phiên theo từng vùng, thậm chí từng luống. Mỗi lần được tưới, vùng gốc cây phải ngập nước, cây cần được no nước chứ nếu tưới sơ sơ, dàn trải trong nắng nóng sẽ càng làm cây dễ bị héo rễ và chết yểu”, ông Thuynh chia sẻ thêm.
Trong điều kiện nắng hạn kéo dài, với một cách làm khác, khu vườn của bà Nguyễn Thị Hoa ở thôn Trần Phú cũng đang phát triển tốt sau những ngày dài bị nắng thiêu đốt.
Với đa dạng các loại cây ăn quả và rau màu, cùng với thường xuyên tưới đủ nước cho cây, bà Hoa đã sử dụng nguồn rơm rạ dồi dào sau thu hoạch vụ xuân tủ một lớp dày dưới gốc để chống nắng cho cây. Theo bà Hoa, việc tấp tủ gốc bằng rơm rạ rất tốt, trước mắt giúp che nắng cho đất vừa giảm sự bốc hơi nước sau tưới cho cây. Về lâu dài, khi rơm hoai mục sẽ tạo được lớp đất mùn tơi xốp và nhiều chất dinh dưỡng cho cây.
Tủ rơm rạ dưới gốc để chống nắng, bà Hoa vẫn đều đặn có sản phẩm đi chợ bán hàng ngày
Là địa phương hàng năm phải chịu nhiều thiệt hại do triều cường, ngập mặn, hạn hán, xã Kỳ Hưng vẫn tập trung cao cho việc phát triển kinh tế vườn và xây dựng vườn mẫu. Đến thời điểm này, toàn xã có 20 vườn mẫu và hàng chục vườn hộ khác có thu nhập thường xuyên. Nắng hạn kéo dài trong thời gian qua đang trực tiếp đe dọa đến sự phát triển kinh tế vườn, đặc biệt là nguy cơ hư hại các vườn mẫu.
Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh việc chống hạn cho cây trồng vật nuôi nói chung, Kỳ Hưng đặc biệt chú trọng tuyên truyền, vận động người dân tích cực thực hiện các giải pháp chống hạn cho vườn mẫu, vườn hộ. Trong đó chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể thường xuyên bám nắm và trực tiếp hướng dẫn các chủ vườn kỹ thuật phòng chống hạn, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch cây trồng trong điều kiện nền nhiệt cao.
Đối với những mô hình có tính sáng tạo và đã có hiệu quả thực tiễn cao trong chống hạn của ông Thuynh, bà Hoa, xã kịp thời tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, khuyến khích các hộ làm vườn đến tham khảo, học tập và triển khai…
“Bên cạnh đẩy mạnh các giải pháp phòng chống hạn để bảo toàn số vườn đã được xây dựng, đặc biệt là vườn mẫu, Kỳ Hưng tiếp tục vận động người dân củng cố, duy trì và xây dựng mới các vườn mẫu đảm bảo tiêu chí. Bằng mọi giá, không để thực trạng nắng hạn ảnh hưởng đến tiêu chí và số lượng vườn mẫu, khu dân cư NTM kiểu mẫu theo kế hoạch đã đề ra” - Phó Chủ tịch HĐND xã Kỳ Hưng Cao Xuân Quyết khẳng định.
Theo Vũ Huyền/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn