Nhiều diện tích đất bỏ hoang đã được nông dân vùng thượng huyện Kỳ Anh chuyển đổi sang trồng sắn liên kết.
Sau nhiều năm tích tụ ruộng đất trên cơ sở mua và thuê lại đất bỏ hoang của những hộ dân lân cận, gia đình anh Nguyễn Văn Ánh (xã Kỳ Tân – huyện Kỳ Anh) đã hình thành vùng sản xuất sắn tập trung liên kết với doanh nghiệp.
Anh Ánh cho hay: “Nhà tôi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng cho máy móc làm đất, giống, phân bón, thuê lao động. Hiện tại, chúng tôi đã trồng 16 ha sắn nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Thành Mỹ Phát (đóng tại xã Kỳ Sơn). Nếu nhà máy thu mua ổn định, những năm sau, chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích”.
Sắn là cây trồng dễ tính, chịu hạn, chịu nắng tốt, thích hợp với đất đai và khí hậu ở Kỳ Anh nên được bà con quan tâm đầu tư.
Được mệnh danh là “thủ phủ” sắn của huyện Kỳ Anh, vụ này, xã Kỳ Sơn đặt mục tiêu trồng 300 ha và hiện đã trồng được trên 200 ha. Chị Hoàng Thị Liên (xóm Sơn Trung 1 – xã Kỳ Sơn) phấn khởi: “Sau khi Nhà máy Vedan thua lỗ, số sắn nông dân trồng bị tư thương ép giá, có lúc xuống còn 700 đồng/kg. Vì vậy, có thời gian chúng tôi không còn mặn mà với cây sắn, diện tích vì thế giảm mạnh. Nay có nhà máy mới vào liên kết, chúng tôi phấn khởi đầu tư sản xuất trở lại”.
Để mô hình hoạt động hiệu quả, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Thành Mỹ Phát đã đưa giống KM419 về cung ứng cho bà con theo hình thức chậm trả. Sắn KM419 là giống mới, cây thẳng và sản lượng cao hơn so với loại giống khác.
Có Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Thành Mỹ Phát thu mua sắn, nông dân vùng thượng huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh phấn khởi thuê máy móc khai khẩn đất hoang, sản xuất quy mô lớn. Theo tính toán, chi phí đầu tư 1 ha sắn khoảng 20 triệu đồng, gồm giống, phân bón, chi phí làm đất, nhân công.
Ông Nguyễn Quang Thành – Giám đốc Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Thành Mỹ Phát cho biết: “Sau khi làm việc với chính quyền địa phương, vùng nguyên liệu của nhà máy được quy hoạch tại các xã: Kỳ Sơn, Kỳ Trung, Kỳ Thượng, Kỳ Tây, Kỳ Tân, Kỳ Hợp, Kỳ Lâm... Đến nay, các xã đã liên kết trồng được 2.000 ha, trong khi diện tích chúng tôi mong muốn giai đoạn 2018 – 2019 phải lên tới 4.000 ha.
Nếu bà con tuân thủ quy trình kỹ thuật, chăm sóc tốt sẽ cho sản lượng khoảng 30 tấn/ha. Trong quá trình liên kết, nhà máy cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, nhà máy bảo hiểm giá mua sắn tối thiểu cho bà con là 1.200 đồng/kg. Nếu giá sắn trên thị trường tăng (tại thời điểm thu hoạch) thì chúng tôi sẽ điều chỉnh giá mua tăng lên theo giá thị trường”.
Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Thành Mỹ Phát đang tích cực phục hồi để tháng 9 tới đi vào sản xuất. Số sắn liên kết để sẽ được nhà máy thu mua và chế biến thành tinh bột sắn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Lê Văn Trọng – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Anh cho biết: “Sắn là cây trồng truyền thống của vùng thượng Kỳ Anh, trước đây, bà con trồng từ 1.300 – 2.000 ha/năm. Do đó, khi Nhà máy Vedan đổ vỡ, chính quyền và người dân rất lo lắng. May mắn là cuối năm 2017, Nhà máy Vedan đã được Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thành Mỹ Phát mua lại và tiếp tục đầu tư Nhà máy Chế biến tinh bột sắn. Thời gian qua, doanh nghiệp đã hợp tác chặt chẽ với chính quyền và người dân trong liên kết. Và để tạo hiệu quả bền vững, ngoài việc khuyến cáo người dân tuân thủ quy trình kỹ thuật, đến vụ thu hoạch, địa phương sẽ củng cố các tổ hợp tác thu mua theo lịch trình xây dựng sẵn, tránh tình trạng thu hoạch ồ ạt, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm”.
Theo Thu Phương/BaoHaTinh.VN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn