Mô hình nuôi bò vỗ béo đang phát triển mạnh ở các địa phương huyện Lộc Hà, do bò là vật nuôi ít bị rủi ro, dễ nuôi, dễ chăm sóc, chi phí thức ăn thấp tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp nên được nông dân chọn nuôi. Hiện nay, giá bò ổn định ở mức cao, nhiều hộ nông dân đã đầu tư nuôi bò vỗ béo.
Trước đây, anh Nguyễn Văn Anh ở thôn Phú Đông, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà mỗi năm chỉ nuôi 2-3 con bò để dùng làm sức kéo, nguồn phân bón cho sản xuất nông nghiệp nên hiệu quả kinh tế thấp. Thấy những ao đầm bỏ hoang hóa, anh đã mạnh dạn xin địa phương đấu thầu trên 2 ha để phát triển chăn nuôi. Từ nguồn vốn sẵn có của gia đình, vay mượn bạn bè anh đã đầu tư 600 triệu đồng san lấp mặt bằng, xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, ngô làm thức ăn nuôi bò, với quy mô thường xuyên nuôi 20 con bò. Anh Nguyễn Văn Anh thường tìm mua bò đực giống từ 18-24 tháng tuổi ở các huyện: Đức Thọ, Hương Sơn, Nghi Xuân… sau đó về nuôi vỗ béo, trong thời gian từ 3-3,5 tháng xuất bán. Với cách nuôi này, mỗi năm anh bán được 3 đợt bò.
|
Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo đã nâng cao thu nhập cho anhTrần Văn Anh, thôn Phú Đông, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà |
Anh chia sẻ kinh nghiệm: "Để nuôi bò vỗ béo đạt kết quả, khi chọn bò giống phải chọn những con có bộ khung to, lưng rộng, không chọn con quá già, nếu sử dụng các giống bò lai như bò lai nhóm Zê bu (sind, Brahman...) thì lợi nhuận càng cao. Trong quá trình nuôi vỗ béo cần phải chăm sóc như: tắm cho bò 1-2 lần/tuần, cho bò ăn, uống đầy đủ. Ngoài thức ăn thô xanh (chiếm trên 90% khẩu phần) bổ sung thêm các loại thức ăn tinh như: Cám gạo, cám ngô… ngày 2 lần thì bò mới mau lớn. Tiêm phòng các loại bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng (đường máu, giun sán…) hạn chế dịch bệnh". Với cách nuôi bò như vậy, mỗi ngày chi phí đầu tư cho một con bò ăn khoảng 60 ngàn đồng. Sau 3-3,5 tháng nuôi, trừ các chi phí (con giống, thức ăn...), còn lãi 4 triệu đồng mỗi con. Nhờ thực hiện đúng quy trình nuôi bò vỗ béo mỗi năm anh thu hơn 100 triệu đồng.
Còn anh Nguyễn Văn Ngụ, thôn 4, xã Bình Lộc cũng đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò vỗ béo. Từ mô hình trước đây nuôi mỗi năm chỉ 1- 2 con, đầu năm 2011 anh đã mạnh dạn đầu tư trên 200 triệu đồng mua 6 con bò và 04 con bê. Theo cách tính của anh Ngụ nhờ tận dụng nguồn thức ăn từ rơm, rạ, thân cây lạc của gia đình nên sau khi trừ các chi phí, mỗi con lãi bình quân 1,5 triệu đồng/tháng, với 1 lao động chăm sóc bò từ 2-3 giờ/ngày.
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Hà cho biết: “Trong 2 năm trở lại đây, người dân ở đây đã dần chuyển từ nuôi bò thả rông sang hình thức nhốt chuồng, đặc biệt mô hình chăn nuôi bò vỗ béo. Đến nay, toàn huyện đã có gần 70 mô hình, với quy mô từ 10-20 con/hộ. Mô hình này thực sự đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân”. Để giúp người dân chủ động nguồn thức ăn thô xanh, UBND đang triển khai mô hình trồng các giống cỏ mới có năng suất chất lượng cao nhằm cung cấp cho các hộ nông dân như: Cỏ voi, cỏ VA06,... ông Nghĩa cho biết thêm.
Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo tại huyện Lộc Hà đã mở ra hướng làm ăn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế và làm giàu cho người dân.
Ngô Thắng
Văn phòng Điều phối NTM tỉnh