Một góc thành phố Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Hải
Những hạn chế trong quy hoạch Monitor
Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 (do Tập đoàn Monitor của Mỹ lập, gọi tắt là quy hoạch Monitor) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012. Sau 4 năm thực hiện quy hoạch (tính đến 2016), KT-XH tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực và toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, tình hình kinh tế trong nước có nhiều biến động, tác động, làm ảnh hưởng đến định hướng và nội dung quy hoạch được phê duyệt.
GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thành viên Nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh cho rằng, Quy hoạch Monitor cần được điều chỉnh vì có đến 14 ngành và lĩnh vực được phát triển theo thứ tự bắt đầu bằng công nghiệp gang thép là chưa phù hợp với tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới, coi trọng công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Công nhân Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Trần Châu vận hành máy hàn thép tự động
Cũng theo GS.TSKH Nguyễn Mại, việc chú trọng phát triển công nghiệp như quy hoạch Monitor đề ra sẽ không phù hợp tình hình phát triển cũng như báo cáo “Việt Nam 2035 - Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” được Việt Nam và Ngân hàng Thế giới công bố năm 2016. Trong báo cáo này nhấn mạnh đến phát triển năng lực đổi mới, sáng tạo, lấy khu vực kinh tế tư nhân làm trung tâm, phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Những bất cập trong quy hoạch
Monitor cũng được tỉnh Hà Tĩnh chỉ ra qua thực tiễn thời gian qua tình hình KT-XH, môi trường có nhiều biến động. Một số dự án trọng điểm xác định trong quy hoạch dự kiến là động lực chính cho tăng trưởng đang triển khai chậm tiến độ. Sự cố môi trường biển ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, môi trường, an ninh trật tự không chỉ trước mắt mà còn lâu dài đến cả khu vực Bắc Trung Bộ, điều đó đặt ra yêu cầu phải rà soát, điều chỉnh định hướng phát triển cụm ngành công nghiệp nặng dọc dải ven biển trong quy hoạch.
Ông Christopher Malone - Tổng Giám đốc điều hành BCG Việt Nam, Giám đốc Phát triển kinh tế toàn cầu trình bày các ý tưởng điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Hà Tĩnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Đặc biệt, cần xem xét kỹ giai đoạn 2 của dự án Formosa (15 triệu tấn thép/năm), bên cạnh đóng góp tích cực cho tăng trưởng, việc làm, ngân sách, việc xác định quy hoạch xây dựng dự án tại vị trí sát biển tiềm ẩn nguy cơ rất lớn, khó lường về ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê và Trung tâm Nhiệt điện Vũng Áng cũng chưa đảm bảo lợi ích kinh tế và tiềm ẩn rất lớn về ô nhiễm môi trường.
Quy hoạch mới - phát triển bền vững và kinh tế xanh
Trước những bất cập của quy hoạch Monitor đồng thời để phù hợp với những biến động của tình hình kinh tế thế giới, khu vực và trong nước cũng như việc giải quyết các vấn đề về môi trường, Hà Tĩnh đã đề xuất và được Chính phủ đồng ý chủ trương, lựa chọn đơn vị tư vấn điều chỉnh quy hoạch. Qua nhiều vòng lựa chọn, Công ty TNHH The Boston Consulting Group (BCG - Mỹ) đã được Hà Tĩnh “chọn mặt, gửi vàng” làm tư vấn.
Các sáng kiến, nghiên cứu khoa học góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH của tỉnh. Trong ảnh: Phòng nghiên cứu bào chế thuốc tại Công ty cổ phần Dược Hà Tĩnh.
Ý tưởng về định hướng thúc đẩy nền kinh tế Hà Tĩnh đến năm 2030 được các chuyên gia tư vấn BCG đưa ra với 3 trụ cột tăng trưởng chiến lược, gồm: Xây dựng các cụm công nghiệp quanh Formosa; cải thiện hoạt động kinh tế cốt lõi hiện tại với ngành nông nghiệp, công nghiệp nhẹ và du lịch; ngành công nghiệp mới (thu hút cơ sở hạ tầng mới cho nền kinh tế).
Những ý tưởng của BCG đang được xây dựng trên cơ sở tham khảo ý kiến đóng góp, phản biện của các chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực và các sở, ngành địa phương. Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, quy hoạch phát triển Hà Tĩnh phải đảm bảo thích ứng với tái cấu trúc nền kinh tế, mô hình tăng trưởng mới, phát triển bền vững và kinh tế xanh.
Định hướng phát triển du lịch...
... nông nghiệp công nghệ cao
Ông Christopher Malone - Tổng Giám đốc điều hành BCG Việt Nam, Giám đốc Phát triển kinh tế toàn cầu cho hay: “Chúng tôi đang trong quá trình xây dựng ý tưởng và triển khai các phần công việc cụ thể. Chúng tôi cam kết hoàn toàn đưa đến chất lượng tốt nhất để khẳng định uy tín của công ty, phục vụ cho sự phát triển của Hà Tĩnh”.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cho biết: định hướng quy hoạch phải chú trọng hình thành và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thương mại năng động, công nghiệp thân thiện môi trường, du lịch và dịch vụ phát triển dựa trên nền tảng phát huy trí tuệ và văn hóa của Hà Tĩnh. Xác định rõ chất lượng nguồn nhân lực là chìa khóa của phát triển bền vững trong dài hạn, quy hoạch cần thể hiện được ưu tiên cho giáo dục từ phổ thông, tới dạy nghề và đào tạo bậc cao nhằm tạo ra một thế hệ lao động có chất lượng tay nghề tốt, sáng tạo và có khả năng hội nhập.
Theo Thanh Hoài/Bao Ha Tinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn