Sau gần 5 năm, giống cây này đã mang lại giá trị kinh tế cao, cho thu nhập gần 300 triệu đồng/ha, mở ra hướng làm giàu...
Đây là thời điểm trong mùa thu hoạch thanh long ruột đỏ |
Về xã Ngọc Sơn đúng vào dịp thu hoạch thanh long ruột đỏ. Sắc hồng nhuộm kín những quả đồi xanh mướt mát. Từng đoàn xe liên tục ra vào chở đầy những rổ thanh long đỏ mọng vươn đến các huyện thị khác tiêu thụ. Các nhà buôn vào thu mua tận vườn, niềm vui hiện hữu trên gương mặt những người nông dân nơi đây.
Anh Lê Đăng Hưng (thôn Trung Tâm) là người đầu tiên đưa giống thanh long ruột đỏ về vùng đất này.Từ 5.000m2 trồng thử nghiệm ban đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, đến nay mô hình thanh long ruột đỏ đã lan rộng hơn 2,5ha vùng đồi Ngọc Sơn. Trừ chi phí có thể cho thu nhập gần 300 triệu đồng/ha, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương 4 - 5 triệu đồng/tháng. Với gần 5 năm xây dựng và nhân giống thành công, anh được mệnh danh là “chúa thanh long” ở vùng đồi Ngọc Sơn này.
Anh Hưng phấn khởi: “Bình quân mỗi cây thanh long ruột đỏ cho thu hoạch khoảng 10 - 12kg quả, mỗi vụ thường kéo dài từ tháng 4 đến hết tháng 10 âm lịch và cứ khoảng 25 ngày lại cho một đợt thu hoạch. Do thời tiết không mấy thuận lợi nên năm nay trọng lượng quả có giảm từ 0,3 - 0,4kg/quả. Tuy nhiên, với giá bán khoảng 30.000 - 50.000 đồng/kg, trừ chi phí cũng cho thu nhập hơn 20 triệu đồng/sào. Nếu giữ được mức giá ổn định như thế này thì trồng thanh long mang lại giá trị gấp 3 - 4 lần các loại cây nông nghiệp khác”.
Theo anh Hưng, thanh long ruột đỏ là cây trồng lâu năm, khoảng 20 - 25 năm sau mới phải trồng lại, đặc biệt là sau khi trồng một năm, thanh long đã cho quả với nhiều đợt trong năm, đến năm thứ 3 năng suất tăng gấp 3 lần năm thứ nhất và bắt đầu ổn định về năng suất. So với thanh long ruột trắng thì thanh long ruột đỏ trồng ở đây rất được người dân ưa chuộng, bởi không dùng chất bảo quản, không phun thuốc, ăn lại có vị ngọt, ngon hơn mặc dù giá thành cao hơn so với thanh long ruột trắng.
Ông Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, toàn xã Ngọc Sơn có gần 3ha trồng cây thanh long với 11 hộ dân tham gia. Đến nay, giống cây thanh long ruột đỏ trồng ở vùng đất đồi này cho sản phẩm đều, đẹp và giá cả rất tốt. Sắp tới chúng tôi dự định sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này nhằm tận dụng quỹ đất và phát triển kinh tế vườn đồi”.
Màu đỏ "nhuộm kín" gốc cây |
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Quốc Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà cho hay: “Sau thời gian trồng thử nghiệm thì thấy cây thanh long ruột đỏ khá dễ trồng và mang lại lợi ích kinh tế cao hơn những giống cây khác. Qua khảo sát cho thấy, đất vùng đồi ở phía Tây huyện Thạch Hà phù hợp với giống cây thanh long ruột đỏ.
Vì vậy, sắp tới chúng tôi dự định tiếp tục nhân giống mở rộng ra ở các xã lân cận như Nam Hương, Thạch Xuân, Bắc Sơn… với diện tích khoảng 140ha. Đồng thời cố gắng kết nối với các doanh nghiệp để sản phẩm thanh long ruột đỏ có đầu ra ổn định. Đó cũng là hướng đi tiềm năng, giúp đời sống kinh tế của người dân ngày càng phát triển bền vững”.
Từ ngày “bén duyên” với mảnh đất này, thanh long mang lại nguồn thu nhập rất cao cho người dân, tạo điểm nhấn trong phát triển kinh tế vườn đồi vùng phía Tây huyện Thạch Hà. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn