Mới hơn 5 tháng chuyển ra sản xuất, kinh doanh tại cụm công nghiệp mới, gia đình anh Nguyễn Hữu Hoàng (thôn Bình Đình, xã Thái Yên, Đức Thọ) đã đón nhận hàng chục đơn hàng trong và ngoài tỉnh. Cơ hội hợp tác nhiều hơn nên anh Hoàng đã đầu tư thêm dây chuyền máy móc sản xuất như: máy chạm, máy đục, máy cuốn, máy xẻ… và thuê thêm nhân công để kịp tiến độ giao hàng.
Anh Nguyễn Hữu Hoàng – Giám đốc Công ty TNHH Đồ Gỗ Hoàng Lê Bình chia sẻ: “Từ ngày chuyển cơ sở sản xuất kinh doanh ra đây, quy mô của doanh nghiệp chúng tôi tăng lên gấp 10 lần. Trước đây, sản xuất trong thôn quy mô chật hẹp, xe lớn không vào được nên rất ít khách hàng biết đến doanh nghiệp chúng tôi. Nhưng từ khi chuyển ra cụm công nghiệp, vị trí thuận lợi nên doanh nghiệp hợp tác được với rất nhiều bạn hàng lớn”.
Không riêng doanh nghiệp đồ gỗ Hoàng Lê Bình, hiện hơn 70 doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh nhận thấy tiềm năng của cụm công nghiệp Thái Yên (phần mở rộng) nên đã “tiên phong” mua đất, phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh.
Chỉ trong vòng hơn 1 năm được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án “Đầu tư và khai thác hạ tầng cụm công nghiệp Thái Yên phần mở rộng, gắn với phát triển làng nghề truyền thống và du lịch”, Công ty Cổ phần Đầu tư IDI đã dốc lực hoàn thiện hạ tầng. Đến thời điểm này, hệ thống đường giao thông, đường điện cao áp, cây xanh… đã phủ kín khuôn viên rộng 15,7 ha. Đặc biệt, hệ thống dẫn thải và xử lỷ nước thải được đầu tư bài bản đã hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu bức thiết về ô nhiễm môi trường trong sản xuất nghề mộc truyền thống.
Ông Trần Tiến Sỹ - Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư IDI – chủ đầu tư dự án cho biết: “Hiện nay, cụm công nghiệp Thái Yên (phần mở rộng) đạt tỷ lệ lấp đầy gần 50%. Chúng tôi đang khẩn trương hoàn thiện các hạng mục: lát vỉa hè, đấu nối công tơ điện chiếu sáng để xong trước ngày 23/6 nhằm kịp tiến độ khai trương cụm công nghiệp”.
Một trong những điểm nhấn của cụm công nghiệp Thái Yên (phần mở rộng) là khu chợ gỗ nằm giữa khuôn viên. Chợ gỗ là địa điểm tụ họp của các thương nhân, trở thành nơi cung cấp gỗ nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất.
Gỗ nguyên liệu được mua bán tại đây giúp doanh nghiệp giảm được giá thành từ 2 – 3 triệu đồng/m3. Không phải mất phí vận chuyển, gỗ nguyên liệu còn được xẻ ngay tại chợ giúp doanh nghiệp hạn chế được vấn đề ô nhiễm môi trường, bụi cưa từ khâu này.
Mục tiêu lâu dài mà dự án “Đầu tư và khai thác hạ tầng cụm công nghiệp Thái Yên phần mở rộng, gắn với phát triển làng nghề truyền thống và du lịch” là góp phần giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống Thái Yên gắn với du lịch, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.
“Để thực hiện được mục tiêu này, doanh nghiệp và các hộ sản xuất kinh doanh nghề mộc Thái Yên rất cần sự đồng hành của chính quyền và các sở, ban, ngành trong việc xúc tiến thương mại, kết nối về du lịch để sản phẩm làng mộc Thái Yên được quảng bá rộng rãi hơn” - Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư IDI chia sẻ.
Theo Phan Tâm/Bao Ha Tinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn