Những chuyến công tác về vùng trà sơn Can Lộc đã làm cho tuyến đường từ Ngã ba Khe Giao đến các xã Mỹ Lộc, Đồng Lộc, Thượng Lộc, Phú Lộc… trở nên thân quen với tôi. Mỗi chuyến đi một câu chuyện kể, tôi càng cảm nhận rõ về người dân trên mảnh đất này. Họ là những “anh hùng” trong thời chiến và là “chiến sỹ” trên mặt trận lao động sản xuất hôm nay.
Xã Mỹ Lộc với những trọng điểm Mỹ đánh phá ác liệt như Ngã ba Truông Kén, Khe Giao, cầu Khe Sậy, Cơn Trồi, Khe Út, Cơn Trung… nay đã hình thành những khu dân cư sầm uất, những đồi cây trái xanh tươi. Bà Nguyễn Thị Hà (thôn Thái Xá 1, xã Mỹ Lộc) cho biết: “Mất nhiều công sức cải tạo, chúng tôi đã biến vùng đất Truông Kén đầy rẫy hố bom thành vườn cam, bưởi. Những mầm cây đặt xuống cách đây 3 - 4 năm đã bắt đầu cho quả. Nhờ thế, chúng tôi có nguồn thu nhập đáng kể”.
Tin tưởng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, người dân Mỹ Lộc đã nỗ lực đạt chuẩn NTM năm 2017 với nhiều dấu ấn. Phó Chủ tịch UBND xã Trần Đình Mọn tự hào: “Trong tổng số hơn 83 tỷ đồng huy động xây dựng NTM, người dân Mỹ Lộc đã đóng góp gần 22,5 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân còn hiến hàng ngàn m2 đất, hàng chục ngàn ngày công để làm nên những con đường, công trình, thiết chế văn hóa phục vụ đời sống”.
Tại Phú Lộc, mảnh đất khốc liệt một thời - nơi 10 liệt nữ TNXP từng đóng quân và 23 liệt sỹ TNXP ngã xuống tại đồi Con Công đã vươn mình trỗi dậy. Ông Nguyễn Xuân Chương - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lộc cho biết: “Cấp ủy, chính quyền và nhân dân Phú Lộc đang phấn đấu để đạt chuẩn NTM trong năm nay. Chúng tôi đang huy động nguồn lực củng cố cơ sở vật chất; phát động phong trào chỉnh trang vườn hộ, xây dựng công trình chăn nuôi, công trình phụ trợ gắn với phát triển kinh tế vườn. Từ chủ trương của cấp trên, người dân đã áp dụng tiến bộ KHKT để xây dựng những vườn cây cho năng suất cao, trong đó có những đồi thanh long ruột đỏ bắt đầu cho thu nhập”.
Thế mạnh của vùng trà sơn cũng là mũi nhọn kinh tế của cả huyện Can Lộc. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Can Lộc Đặng Trần Phong cho biết: “Phát triển kinh tế vùng trà sơn đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng được đưa vào nghị quyết của Đảng bộ huyện Can Lộc. Đó là phát triển du lịch, dịch vụ - thương mại và phát huy tiềm năng lợi thế phát triển các loại cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao”.
Giống cam giòn Thượng Lộc dần khẳng định thương hiệu. “Toàn xã hiện có 220 ha cam, bưởi, trong đó, phần lớn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ xây dựng thương hiệu, sản phẩm được bao tiêu với giá ổn định. Chúng tôi cũng đang thực hiện chủ trương mở rộng diện tích trồng cam mỗi năm từ 30-40 ha” - ông Nguyễn Viết Chuân, Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho biết
Ngã ba Đồng Lộc - nơi 10 cô gái TNXP hy sinh, nay trở thành khu di tích lịch sử với nhiều công trình kiến trúc đặc biệt như: Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc, sa bàn chiến đấu, Nhà bảo tàng, tháp chuông Đồng Lộc, đền thờ… Phần mộ của 10 cô nằm lưng chừng đồi cũng được phủ bóng mát bởi rừng thông. Ông Trần Văn Vương - Bí thư Đảng ủy xã Đồng Lộc cho biết: “Điều phấn khởi nhất của chúng tôi là Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua đề án trình thành lập thị trấn Đồng Lộc. Đây là sự ghi nhận những nỗ lực trong xây dựng, phát triển quê hương của người dân Đồng Lộc và là động lực để địa phương tiếp tục phát huy sức mạnh xây dựng thị trấn ngày càng khang trang, thành trung tâm thương mại vùng trà sơn”.
Quyết tâm xây dựng lại cuộc sống ấm no trên vùng “đất chết” trở thành sức mạnh đồng thuận của Đảng bộ và nhân dân các xã vùng trà sơn Can Lộc. Cùng với phát triển kinh tế, xây dựng vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, người dân đã chung tay xây dựng thiết chế văn hóa, làm phong phú đời sống tinh thần. Khoảng cách vùng miền được rút ngắn bởi những tuyến đường rải nhựa, bê tông trải dài đến từng thôn xóm.
Theo Thúy Ngọc/Bao Ha Tinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn