Sau bão số 10, sản xuất vụ đông được các địa phương quan tâm bổ cứu, tích cực khôi phục. Đến ngày 29/9, rau các loại trồng đạt 855 ha (gần 20%), khoai lang 270 ha (10%), ngô lấy hạt 405 ha (10,25%), ngô sinh khối 40 ha (1,4%). Sở NN&PTNT đã tập trung hướng dẫn các hộ sản xuất khôi phục diện tích cam, bưởi bị đổ ngã sau bão và liên hệ doanh nghiệp thu mua 300 tấn bưởi cho dân với giá 50.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Sản xuất vụ đông phải gắn với tiêu thụ sản phẩm. Nếu tổ chức sản xuất không tuân thủ nguyên tắc rải vụ thì gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và người sản xuất.
Để đạt mục tiêu đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính, đồng thời hỗ trợ bà con nông dân khôi phục sau bão, UBND tỉnh quyết định hỗ trợ 100% kinh phí (một lần) mua giống cho nông dân sản xuất ngô, rau... với số tiền hơn 23 tỷ đồng.
Đối với chăn nuôi, sau bão, UBND tỉnh đã kịp thời đề xuất Trung ương hỗ trợ hàng chục nghìn kg hóa chất, vắc-xin tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi và tiêm phòng cho đàn gia súc. Đồng thời, tỉnh cấp không thu tiền gần 1.000 lít hóa chất vệ sinh tiêu độc, khử trùng ở các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; cấp không thu tiền hóa chất bao vây, khống chế ở các địa phương có dịch lở mồm long móng.
Ông Trần Đức Bá - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh: Từ chiều mai (3/10), Hà Tĩnh sẽ bắt đầu có đợt mưa, kéo dài từ 7- 10 ngày. Từ tháng 12, các đợt không khí lạnh hoạt động mạnh, nền nhiệt thấp gây khó khăn cho sản xuất vụ đông.
Việc khắc phục thiệt hại lâm nghiệp cũng đang được các địa phương tập trung chỉ đạo, giám sát. Tuy nhiên, tiến độ khai thác chậm, hoạt động thu mua gặp nhiều khó khăn.
Tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị, đại biểu cho rằng, các chính sách hỗ trợ cần sớm được triển khai giúp địa phương không bị chậm lịch thời vụ; có hướng dẫn cụ thể các quy chế lựa chọn đơn vị cung ứng giống; có chính sách hỗ trợ riêng cho lâm nghiệp, tiêu thụ sản phẩm...
Ông Trần Hữu Tuyên, Giám đốc Công ty Vitad: Công ty cam kết bao tiêu sản phẩm, giá cả cạnh tranh, đặc biệt thực hiện chính sách cho nông dân nợ phân bón 3 tháng sau khi thu hoạch.
Bà Võ Thị Hồng Minh, Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh: Hiện nay công ty đã kết nối với các đối tác để chuẩn bị đủ nhu cầu nguồn giống ngô hạt, rau các loại. Đề nghị Sở NN&PTNT phối hợp kiểm tra chất lượng giống trước khi xuất ra thị trường.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh: Sản xuất vụ đông phải gắn với xây dựng NTM, xây dựng đô thị văn minh, khắc phục bão lụt. Các địa phương cần đánh giá tổng thể sản xuất sau bão số 10. Đặc biệt, là các hộ, trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nhằm chia sẻ với người dân, đồng thời rút kinh nghiệm trong chỉ đạo sản xuất, cũng như cơ chế chính sách hỗ trợ.
Cần chỉ đạo toàn diện khắc phục sau mưa bão, gắn sản xuất gắn với quy hoạch, tổ chức sản xuất và theo chuỗi giá trị.
Liên quan đến vận hành chính sách hỗ trợ, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Phải đảm bảo nguyên tắc tiền hỗ trợ đến với người sản xuất, đúng đối tượng được quy định. Các đơn vị cung ứng tuân thủ theo nguyên tắc thị trường, chịu trách nhiệm về chất lượng giống và hợp đồng kinh tế. Sở NN&PTNT phải chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước trên mọi mặt; chủ động rà soát về chính sách hỗ trợ lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản; các sở liên quan giải quyết kịp thời về tài chính...
Trước mắt, các địa phương, sở ngành tập trung cao cho phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với khắc phục mưa bão; tích cực thu ngân sách; nâng cao công tác xây dựng Đảng, quản lý cán bộ…
Theo Nguyễn Oanh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn