Cũng như bao gia đình khác, trước đây, gia đình ông cũng rất chật vật vì thu nhập từ ruộng đồng chẳng đáng bao nhiêu. Hơn 1 ha đất vườn ven đồi cũng gần như chỉ sản xuất được các loại rau, hoa quả đủ phục vụ gia đình.
Không cam chịu đói nghèo, ông Long đã tìm tòi cách làm ăn mới và có cơ duyên với cây thanh long ruột đỏ. Ông thành công từ đó.
Ông cho biết: “Năm 2013, khi biết cây thanh long ruột đỏ cho kinh tế cao, tôi đã khăn gói ra tận Ba Vì (Hà Nội) để học tập kỹ thuật trồng. Sau chuyến đi đó, tôi về cải tạo vườn, đầu tư trên 100 triệu đồng mua giống, làm trụ, đầu tư phân bón, hệ thống tưới tự động để phát triển loại cây này. Mặc dù lúc đầu bà ngăn cản, nhưng do thấy được giá trị của nó nên tôi vẫn quyết tâm làm bằng được”.
Khách hàng đến tận vườn thu mua thanh long
Nhờ nắm được kỹ thuật, đầu tư chăm bón đúng mức nên sau một năm rưỡi, vườn thanh long hơn 100 gốc ban đầu của ông đã bắt đầu cho thu nhập. Tuy quả không to như các nơi khác nhưng hình thức đẹp, chất lượng tốt nên được khách hàng ưa chuộng. Ngay vụ đầu, chín lứa nào ông bà bán hết đến đó. Hiện tại, khách hàng đều là khách quen, mua số lượng lớn nên sản phẩm của gia đình ông rất ổn định đầu ra.
Không dừng lại ở đó, ông Long đã tiếp tục nhân rộng và đến nay vườn của ông đã có trên 500 trụ thanh long cho quả. Theo kế hoạch, ông sẽ trồng khoảng 1.000 gốc, phủ kín toàn bộ diện tích vườn. Thanh long hầu như cho quả mỗi tháng một lứa nên gia đình ông có thu nhập đều đặn quanh năm.
Ông Long còn nuôi thêm lợn rừng
Ông Long còn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, giống thanh long ruột đỏ cho 12 hộ gia đình trong xóm, trong huyện. Đến nay, hầu hết các hộ trồng thanh long theo ông đều có kết quả tốt.
Ngoài thanh long, ông Long còn có đàn lợn rừng 40 con, đàn gà 300-400 con. "Con cái trưởng thành cả rồi, nhà chỉ có hai ông bà làm nên cũng vất vả. Tuy nhiên, đổi lại cũng rất vui. Tôi không tính cụ thể nhưng tổng thu nhập từ vườn của gia đình đạt khoảng 700 triệu mỗi năm” - ông Nguyễn Thế Long chia sẻ.
Theo Chính Thu/Báo Ha Tinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn