Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, với tổng số 95% hộ nuôi, đàn hươu ở xã Sơn Quang đã có 2.388 con, đưa địa phương trở thành vùng nuôi hươu lớn nhất huyện Hương Sơn.
Ông Nguyễn Xuân Cảnh - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Phát huy lợi thế địa bàn có diện tích đất màu lớn với 230 ha đất trồng ngô và 22 ha đất trồng cỏ, nhiều năm qua, Sơn Quang đã xác định chăn nuôi hươu là mũi nhọn kinh tế.
Cùng với việc phát triển và củng cố số lượng đàn, người dân cũng đã chú trọng chất lượng con giống bằng cách sàng lọc đàn hươu. Nhờ thế, chất lượng, sản lượng nhung ngày càng tăng, thu nhập của người chăn nuôi ngày càng được cải thiện. Tổng sản lượng nhung năm nay đạt gần 1,2 tấn, tăng 200 kg so với năm ngoái. Nguồn thu từ hươu hiện chiếm khoảng 55% tổng thu nhập trên địa bàn”.
Năm nay ở Sơn Quang, nhiều gia đình đã được thu hoạch nhung đến lứa thứ 3. Tính sơ bộ, toàn xã có trên chục hộ có nhung lứa 3 - điều trước đây rất hiếm gặp. Nổi bật trong số đó là gia đình anh Bùi Minh Thiệp có 2 con lên nhung trái lứa 3, trong đó có 1 con 3 lứa thu được gần 4 kg nhung.
Anh Thiệp chia sẻ niềm vui: “Nhà tôi có 6 hươu đực và 3 hươu cái. Vui nhất là năm nay có 2 con cho nhung lứa thứ 3. Đặc biệt có 1 con 3 lần cho nhung với sản lượng gần 4 kg. Tính cả thu nhập từ nhung và hươu con năm nay gia đình tôi thu về được hơn trăm triệu đồng”.
Ông Phạm Khoa ở thôn Đồng Hà với đàn hươu 6 con cũng đã có thu nhập gần 90 triệu đồng từ nhung và tiền bán hươu con. Ông cho biết: “Năm nay 6 kg nhung tôi đã thu về được 66 triệu đồng. Ngoài ra, tôi bán 2 con hươu đực giống được 20 triệu nữa. Năm nay là một năm được mùa toàn diện”.
Người nuôi hươu lại có thêm niềm vui khi giá nhung cao hơn 2 đến 3 giá so với các năm trước và hầu như giữ mức ổn định từ đầu vụ đến cuối vụ.
Anh Lê Anh Tuấn ở thôn Bảo Trung cho biết: “Gia đình tôi nuôi 9 con hươu, trong đó có 8 con đực nhưng hầu như mới cho nhung ở mùa đầu nên năm nay chỉ được khoảng 3 kg. So với năm trước, vào chính vụ, giá chỉ 8-9 triệu đồng/kg nhưng năm nay từ đầu vụ đến cuối vụ giá nhung được thu mua ổn định với mức 11 - 12 triệu đồng, vì thế, sản lượng tuy còn thấp nhưng thu nhập lại được cải thiện hơn so với trước”.
Được biết, nghề nuôi hươu ở Sơn Quang cũng trải qua bao thăng trầm. Năm 2017, khi giá trâu bò giảm, giá hươu cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt là hươu con giảm đến gần một nửa (hươu cái 3 đến 3,5 triệu đồng/con, hươu đực 8 triệu đồng/con) khiến không ít gia đình lo sợ, một số người đành bán bớt con giống.
Thế nhưng, phát huy lợi thế nghề truyền thống và cũng là niềm hy vọng để làm giàu nên bà con vẫn cố gắng giữ nghề. Người bán đi, người mua lại để sàng lọc đàn nên tổng đàn hầu như vẫn được đảm bảo. Đến nay, toàn xã có khoảng 20 gia đình nuôi từ 10 con trở lên.
Theo Chính Thu/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn