Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa hè thu ở xã Đức Thủy (Đức Thọ)
Đến thời điểm này, các diện tích lúa ở Thạch Hà đang vào giai đoạn trổ rộ. Toàn huyện có gần 2.000 ha lúa hè thu bị nhiễm rầy, mật độ trung bình từ 1.000 đến 1.500 con/m2, nơi cao từ 5.000 đến 6.000 con/2. Bệnh khô vằn phát sinh gây hại trên diện tích 370ha, tập trung nhiều ở các xã Thạch Sơn, Thạch Tiến, Thạch Lâm. Sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá và bệnh lúa von đã xuất hiện ở một vài địa phương với tỷ lệ thấp. Nạn chuột cũng đang phát triển và gây hại mạnh hơn so với các vụ trước.
Tại Đức Thọ, mặc dù nhiều diện tích lúa đã bước vào giai đoạn chín sáp, nhưng rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn vẫn tiếp tục gây hại cục bộ và có khả năng bùng phát mạnh. Đặc biệt, hơn 100 ha lúa Bắc thơm 7, lúa TH 3-3 ở xã Đức Thủy và một số địa phương khác bị bệnh bạc lá gây hại nặng từ 20 - 30%, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và sản lượng. Điều đáng quan tâm là, tại một số địa phương, người dân chưa chủ động trong phun phòng trừ hoặc phun thuốc chưa đúng quy trình kỹ thuật, không đúng bệnh.
Qua kiểm tra thực tế tình hình sâu bệnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn lưu ý ngành Nông nghiệp &PTNT cùng các địa phương thường xuyên bám nắm tình hình, tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả sâu bệnh.
Đặc biệt, cần thực hiện các biện pháp chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật; tập trung điều tiết chế độ nước hợp lý, không để ngập úng hoặc thiếu nước, tạo điều kiện thuận lợi cho lúa trổ bông, tăng khả năng kháng sâu, bệnh và nâng cao hiệu quả phòng trừ; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phát sinh và lây lan sâu bệnh trên diện rộng.
UBND tỉnh sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các địa phương lơ là, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng trừ sâu bệnh trên lúa hè thu.
Theo Tiến Thành/Hà Tĩnh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn