Đó là các điều khoản dự thảo do Bộ LĐTBXH đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định 1956/QĐ-TTg phê duyệt đề án dạy nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020. Sáng 17.7, tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện đề án này, Bộ LĐTBXH chính thức công bố, lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo.
Nông dân đăng ký học nghề tại một trung tâm dạy nghề TP. Đà Nẵng.
Một điểm mới đặc biệt trong dự thảo này là người cận nghèo cũng được hỗ trợ bằng mức với người nghèo. Trước đó, các ưu đãi này chỉ dành cho hộ nghèo, hộ gia đình có công với cách mạng...
Ngoài dự thảo về tăng tiền ăn, đi lại, học phí cho hộ nghèo, Bộ LĐTBXH cũng đề nghị tăng mức thù lao cho giảng viên dạy nghề cho lao động nông thôn; tăng số lần học (lao động nông thôn đã được hỗ trợ học nghề, có thể được hỗ trợ học tiếp nhưng không quá 3 lần thay vì chỉ được 1 lần như trước kia).
Một điểm mới nữa về trách nhiệm, dự thảo quyết định sửa đổi này yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả dạy nghề (trước đó, trách nhiệm chưa được quy rõ, dẫn tới nhiều tỉnh không thành lập Ban chỉ đạo, không báo cáo về hoạt động này). Dự thảo quyết định cũng điều chỉnh số lao động được đào tạo giảm xuống còn 6,028 triệu người, trong đó hơn 1,8 triệu người học nghề nông nghiệp. Dự kiến 10 ngày nữa, Bộ LĐTBXH sẽ trình Chính phủ dự thảo quyết định này để xem xét,ban hành vào tháng 8.2013.