Hà Tĩnh: Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp (cây lúa)
Thứ hai - 12/08/2019 21:57
Ngày 5/8/2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp (cây lúa). Hà Tĩnh là một trong 7 tỉnh trong cả nước được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa (Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp).
Theo Kế hoạch, cây lúa là đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm; nhằm mục tiêu giúp người nông dân giảm thiểu rủi ro, tổn thất trong sản xuất do thiên tai, dịch bệnh; chia sẻ rủi ro, khôi phục sản xuất lúa, góp phần ổn định sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh lương thực.
Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch: 100% cá nhân sản xuất lúa thuộc diện Hộ nghèo, cận nghèo tham gia bảo hiểm cây lúa; 80%-90% cá nhân sản xuất lúa không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tham gia bảo hiểm cây lúa; các tổ chức sản xuất lúa theo mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường tham gia bảo hiểm nông nghiệp.
Lúa là một trong 5 đối tượng được hưởng chính sách bảo hiểm nông nghiệp (lúa, chăn nuôi trâu, bò và nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng)
Về mức hỗ trợ, được quy định tại Quyết định 22/2019/QĐ-TTg ngày 26-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể: Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo (bao gồm cả hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập và hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều), hộ cận nghèo theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ 90% phí bảo hiểm nông nghiệp. Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.
Tổ chức sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm nông nghiệp (khi đáp ứng đầy đủ các quy định: Doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã; có hợp đồng liên kết gắn với sản phẩm nông nghiệp là các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, đảm bảo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ; có sản phẩm nông nghiệp là các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được chứng nhận đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền hoặc được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao).