Bà Susan Vize - Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tham quan trưng bày trước thềm buổi lễ đón bằng Di sản tư liệu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương “Mộc bản Trường học Phúc Giang”
2016 là năm đất nước có nhiều sự kiện chính trị trọng đại, năm đầu tiên thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và tổ chức bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016–2021. Bởi vậy, các hoạt động văn hóa diễn ra sôi nổi và rộng khắp trên địa bàn.
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh đã thay mới hơn 2.000m2 tranh cổ động tấm lớn, pano, áp phích tuyên truyền các sự kiện; tổ chức 137 buổi tuyên truyền tại các xã, phường và gần 100 buổi chiếu phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, chào mừng các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước.
Song song với các hoạt động tuyên truyền, phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng đã diễn ra rộng khắp. Toàn tỉnh có hơn 4.000 buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, đêm thơ nhạc được tổ chức tại các địa phương, thôn, xóm, khối phố, đơn vị... Chính những hoạt động đó đã làm lan tỏa giá trị tinh thần, thắt chặt thêm tình thân ái và đoàn kết trong các cộng đồng dân cư.
Với sự đầu tư thỏa đáng, năm qua được coi là thành công trên lĩnh vực liên hoan, hội diễn. Điểm nhấn đáng chú ý là việc tổ chức thành công liên hoan các CLB dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh từ cấp huyện, tỉnh, liên tỉnh và tham gia biểu diễn tại Hà Nội trong chương trình phi lợi nhuận vì miền Trung thân yêu. Tại liên hoan liên tỉnh, Hà Tĩnh có 9 CLB tham gia và giành 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba (giải tập thể); 9 giải A, 6 giải B, 9 giải C (giải cá nhân). Bằng sự nỗ lực trong nhiều nỗi vất vả, năm qua, lĩnh vực biểu diễn đã đạt những thành quả xứng đáng. Các đoàn nghệ thuật của tỉnh đã giành 1 huy chương vàng, 3 huy chương bạc tại Liên hoan nghệ thuật 5 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan tổ chức tại tỉnh Quảng Trị; giành 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc tại Liên hoan đàn và hát dân ca 3 miền tổ chức tại Kiên Giang.
Cùng với các hoạt động văn hóa, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản tiếp tục được chăm lo và có sự chung tay, góp sức mạnh mẽ của cộng đồng. Trong năm, đã có 60 di tích văn hóa cấp tỉnh được tu bổ với tổng kinh phí 10 tỷ đồng. Song song với đó, người dân và con em xa quê ở nhiều địa phương đã chung tay, góp sức tôn tạo nhiều di tích tại các địa bàn, cùng nhau gìn giữ và phát huy giá trị di sản, nhất là những địa chỉ gắn với lễ hội truyền thống.
Buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ ví, giặm xã Kỳ Bắc (Kỳ Anh)
Cùng với việc tổ chức tốt lễ đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, năm 2016, các cấp, ngành đã phối hợp tổ chức thành công kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu (2/2/1906 - 2/2/2016); đón bằng công nhận mộc bản Trường học Phúc Giang là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO. Đó là những điểm nhấn khó quên trong một năm nhiều vất vả, từ đó, nhân lên niềm tự hào trong mỗi người con Hà Tĩnh sống trên địa bàn cũng như xa quê.
Giá trị văn hóa không chỉ hội tụ ở đền đài, lễ hội mà sinh động hơn, còn chuyển hóa vào đời sống sinh hoạt, gắn với thực hành lối sống, vun đắp mái ấm gia đình, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, khối phố văn hóa, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Chính những chuyển động đó đã góp phần nâng tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 82,42%; thôn, tổ dân phố văn hóa đạt 69,6%, tăng 0,7%. Từ tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư và tình làng - nghĩa xóm, người dân trên khắp địa bàn tỉnh đã chung tay xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở, hình thành phong trào hiến đất làm đường, công trình văn hóa, chỉnh trang khu dân cư, dọn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp. Đó chính là những nét đẹp văn hóa chuyển tải trong ứng xử của mỗi người vì cộng đồng dân cư, các địa phương, đơn vị.
Từ những kết quả đạt được, trước thềm năm mới 2017, Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Xuân Thập cho hay: “Ngành sẽ chú trọng nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tăng mức hưởng thụ văn hóa cho người dân; tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; huy động nguồn lực tôn tạo, tu bổ hệ thống di tích; đẩy mạnh các hoạt động sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng. Đặc biệt, sẽ chú trọng gắn đầu tư văn hóa với phát triển du lịch, nhất là các điểm đến như Khu di tích Nguyễn Du, Khu du lịch quốc gia Thiên Cầm, Khu du lịch Xuân Thành...”.
Theo Mạnh Hà/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn