Báo cáo của thường trực Ban Chỉ đạo cho biết trong năm 2015, 62/63 tỉnh, thành phố đã thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh, có văn phòng thường trực đi vào hoạt động theo mô hình mới, chuyên trách đem lại hiệu quả cao. Nhiều địa phương đã có sáng kiến mới, cách làm hay, xây dựng các mô hình danh hiệu văn hóa kiểu mẫu, gắn với phong trào phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị… điển hình như Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Hà Nội.
Việc thực hiện phong trào được lồng ghép trong việc vận động người dân thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng “Gia đình văn hóa”; Làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa. Tính đến nay, cả nước có gần 18,8 triệu gia đình đạt chuẩn danh hiệu Gia đình văn hóa (đạt tỉ lệ 85%), tăng 2% so với năm 2014; 71.000 làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa được công nhận, đạt tỉ lệ gần 69%, tăng 7% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, đã có 4.998/11.145 xã/phường có thiết chế văn hóa, tỉ lệ 44,8%; 54.391/118.034 thôn có nhà văn hóa; 659 thư viện cấp huyện; 2.456 thư viện cấp xã; 14.470 tủ đọc sách cấp xã và cơ sở…
Nhiều địa phương đã tổng kết đúc rút kinh nghiệm thực tiễn, chú trọng đến công tác chỉ đạo, tập trung nguồn lực… nhằm nâng cao chất lượng phong trào trong xây dựng văn minh đô thị, nông thôn mới. bên cạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng ngày càng phong phú, tại nhiều thôn làng đã khôi phục , bảo tồn lễ hội văn hóa dân gian, di tích lịch sử truyền thống…
“Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận mặc dù các nơi đã rất cố gắng những rõ ràng đời sống văn hóa còn rất nhiều vấn đề, đạo đức xã hội, nếp sống văn minh còn nhiều vấn đề nhức nhối.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, hội đoàn thể đã rất nỗ lực nhưng phải nhìn nhận còn nhiều vấn đề về văn hóa trong xã hội phải làm tích cực hơn. Căn bệnh hình thức mặc dù cố gắng nhưng còn rất trầm trọng kể cả việc tổ chức, đánh giá phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở các cấp”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu vấn đề.
Với tinh thần thảo luận thẳng thắn, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết dù nhiều địa phương đã triển khai sâu rộng, đánh giá nghiêm túc, tập trung nâng cao chất lượng phong trào từ cơ sở thì tình trạng chạy theo thành tích vẫn còn là một tồn tại. Một số địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, nhận thức của người dân trong việc phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa còn chưa được quan tâm đúng mức.
Việc đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa ở một vài nơi vẫn còn hạn chế, chạy theo hình thức dẫn đến tỷ lệ gia đình văn hóa trong báo cáo cao nhưng chất lượng phong trào còn thấp, tình trạng bạo lực gia đình gia tăng , đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp, giá trị văn hóa gia đình truyền thống bị mai một.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng tập trung thảo luận những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện phong trào như: bệnh thành tích, hình thức; sự trùng lắp, chồng chéo về tiêu chí, định tính nhiều hơn định lượng; thiếu thốn các cơ sở sinh hoạt văn hóa cho công nhân trong các khu, cụm công nghiệp… Đồng thời, các ý kiến thống nhất cho rằng việc thực hiện phong trào trong thời gian tới phải mới từ cách tổ chức thực hiện đến giám sát, đánh giá.
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Trao đổi với đại diện các bộ ngành, hội, đoàn thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng để xây dựng một xã hội sống có văn minh, văn hóa cần cả sự quản lý của nhà nước về pháp luật, có giải pháp kinh tế nhưng đặc biệt cần có giải pháp về vận động, giáo dục. Đây là một quá trình lâu dài và mỗi một thời kỳ sẽ có một số vấn đề nổi cộm, bức xúc cần tập trung, đi sâu vào giải quyết, trong đó có vai trò vận động rất quan trọng của các hội, đoàn thể.
Từ ví dụ Đại học Hoa Sen (TPHCM) tổ chức các đội sinh viên làm hướng dẫn viên du lịch miễn phí cho du khách nước ngoài, Phó Thủ tướng đặt “đề bài” với đại diện Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động 1-2 phong trào rất cụ thể làm chuyển biến đời sống văn hóa trong xã hội.
“Ở đô thị, Đoàn Thanh niên có vận động thanh niên dứt khoát không vứt rác ra đường, tổ chức các đội thanh niên tình nguyện nhặt rác ở các khu du lịch, điểm văn hóa được không? Đấy là văn hóa, là những thứ rất thiết thực để khơi dậy dần dần những cái tốt trong xã hội. Một người vừa vứt mảnh rác lại có một người khác nhặt lên thì tôi tin chắc là trong 10 người thì 9 người sau đó sẽ không vứt rác ra nữa. Những người có ý định vứt rác cũng sẽ có ý thức hơn và nói với những người khác cũng làm như vậy”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Trong thời gian tới Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo tích cực chuẩn bị tổng kết lại quá trình triển khai phong trào với tinh thần thiết thực, quan trọng nhất là đánh giá, rút kinh nghiệm từ đó đề những việc cần làm tiếp, những điểm cần bổ sung. Đặc biệt là cần phải có tài liệu hỏi đáp về phong trào để cơ sở nắm được phong trào như thế nào, vận động cái gì.
Một trong những vấn đề được Phó Thủ tướng nhấn mạnh tại cuộc họp là Bộ VHTT&DL phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo rà soát lại tất cả các tiêu chí về gia đình văn hóa; làng, bản, thôn, ấp, bản văn hóa; cơ quan văn hóa…. Tiêu chí cần dễ hiểu, cụ thể, phải khắc phục được bệnh không thực chất. Ví dụ tiêu chí gia đình văn hóa không nên chung chung mà phải có những quy định cụ thể là phải không làm gì như không có người nghiện hút, không bạo lực gia đình, sống đoàn kết với xung quanh... chứ không thể 100% gia đình văn hóa nhưng vẫn có nghiện hút, vẫn có bạo lực gia đình... Từ những tiêu chí chung cho cả nước, từng dịa phương sẽ căn cứ vào thực tế để bổ sung những tiêu chí cụ thể hơn. Bên cạnh đó cần đổi mới công tác kiểm tra việc thực hiện phong trào tại cơ sở, giao ban tại các cụm thi đua.
Từ kinh nghiệm các nước có những phong trào rất cụ thể, chọn ra những hành vi, lĩnh vực để vận động thực hiện, khơi dậy ý thức văn hóa, tự giác của từng người dân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị trong năm 2016, mỗi hội, đoàn thể thành viên Ban Chỉ đạo đề ra một số hoạt động rất thiết thực, cụ thể, gắn với các tiêu chí văn hóa để vận động người dân, tập trung vào những vấn đề xã hội đang bức xúc như vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường...
Theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn