Ảnh minh họa (theo hoinongdan)
Trong thực tế, người dân nông thôn vẫn còn những thói quen khó bỏ như vứt rác ra vườn, đường, nơi công cộng, xả chất thải ra dòng chảy của cộng đồng.
Hầu hết những rác thải này đều chưa được thu gom và xử lý đúng cách. Thói quen xử lý rác kiểu tự phát lâu đời vẫn tồn tại. Nơi nào “văn minh” thì xử lý rác tại chỗ theo cách rất đơn giản: Phân gia súc gia cầm chủ yếu tận dụng làm thức ăn cho cá, ủ phân hoai mục để bón cho lúa, hoa màu hoặc để nuôi giun; Các chất thải khác như ni lông và các chất khó tiêu khác thì xử lý bằng cách đốt. Nhưng vẫn còn một lượng chất thải lỏng trong chăn nuôi (như rửa dọn vệ sinh chuồng trại, nước thải lò mổ, nước thải làng nghề…) có nhiều hoá chất độc hại cũng đang trong tình trạng bị bỏ ngỏ.
Một số nơi đã cử ra một đội vệ sinh môi trường chuyên làm nhiệm vụ thu gom rác thải sinh hoạt ở khu dân cư. Trước mắt chưa có lương, mỗi khẩu góp 5000đ/ tháng để trả công cho họ. Các hộ gia đình sẽ gom rác lại trong bao tải. Cứ mỗi tuần 2 lần, đội vệ sinh môi trường sẽ đi thu gom “cuốn chiếu” ở từng con đường bằng một chiếc xe công nông hoặc xe cải tiến. Nhưng chỉ mới dừng lại ở mức độ thu gom, còn nếu xử lý thì lại đốt. Rác sẽ được “quy tập” về một bãi đất trống cách xa vùng dân cư và đốt hoặc tự phân huỷ, khi đầy thì chưa biết xử lý ra sao.
Ở một vài nơi, thông qua các dự án về khí sinh học, một phần chất thải rắn và lỏng được xử lý bằng công nghệ bioga. Tuy vậy, số gia đình có hầm bioga chưa nhiều vì xây dựng một hầm biogas tốn kém tiền triệu. Đây là mức cao so với thu nhập của người dân nông thôn. Trong khi đó, ở các địa phương có nghề phụ, chất thải làng nghề đang là vấn đề bất cập. Ở một số nơi Hội phụ nữ có vận động chị em khi thu gom rác tại gia đình cần phân loại riêng rác thải vô cơ và hữu cơ. Đây là điều tốt, nhưng có một nghịch lý là ở gia đình thì phân loại, khi đổ rác ra xe lại…đổ dồn chung làm một. Thế nên việc phân loại rác không còn tác dụng. Điều này cần một cơ chế thích hợp của các cấp ngành liên quan. Khi hướng dẫn người dân làm theo thì cũng nên có một cách xử lý triệt để hơn, tránh việc “đánh trống bỏ dùi” dẫn đến hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, một trong những việc làm đầu tiên để môi trường không ô nhiễm. Điều này đòi hỏi người dân nông thôn phải thay đổi nhận thức. Ăn sạch, ở sạch trong gia đình chưa đủ, mà cần giữ môi trường sạch sẽ chung cho cộng đồng và xã hội. Giữ vệ sinh công cộng cũng chính là chúng ta đang làm tốt phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.
Theo Nguyễn Thị Diệp/khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn