Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được Chính phủ ban hành tháng 12/2012, sau đó là Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh nhằm cụ thể hóa các chiến lược mục tiêu đã được đề ra. Đây là khung khổ nền tảng cho các chính sách và triển thai thực hiện đồng bộ các mục tiêu về tăng trưởng xanh ở tầm quốc gia. Sau 5 năm triển khai thực hiện, chúng ta đã đạt được nhiều bước tiến đáng ghi nhận.
Ở vai trò cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành đã tích cực thực hiện xây dựng và ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh trong phạm vi từng lĩnh vực, đồng thời tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều quyết định liên quan tăng trưởng xanh và hoàn thiện nhiều thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện.
Với sự tích cực vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương, đến nay đã có 32 tỉnh, thành phố xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh, thành phố. Hầu hết 63 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đều đã thực hiện lồng ghép khía cạnh đầu tư xanh trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trên cơ sở này, nhiều địa phương và doanh nghiệp tích cực thực hiện sản xuất xanh và sạch, tăng cường áp dụng công nghệ xanh, sử dụng hiệu quả nguồn lực tự nhiên, tập trung vào một số ngành trọng điểm.
Tuy vậy, tính đến nay, chưa có nhiều ngành, tiểu ngành xanh được tập trung phát triển, nhiều hoạt động ưu tiên chậm được triển khai. Không ít ngành liên quan tới hiệu quả về năng lượng với tiềm năng lớn, song chưa được triển khai. Đã xuất hiện một số điểm nghẽn đối với doanh nghiệp do một số vấn đề đa ngành liên quan đến quy hoạch, chính sách tài chính đất đai chưa được giải quyết triệt để.
Theo ông, những vấn đề đang gặp khó khăn trong triển khai thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh là gì?
Ở cấp cơ quan nhà nước, quyết định của Chính phủ đưa ra mang tính tích cực, nhưng các bộ, ngành lại chưa đồng bộ. Một số cơ quan chưa tích cực triển nên đã kéo quá trình thực hiện chậm lại, khiến doanh nghiệp bị giam vốn, lỡ cơ hội đầu tư và thất bại.
Ở góc độ doanh nghiệp, hiện có một số vấn đề đang vướng, liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, năng lượng, thuế phí, thủ tục hành chính khác, thị trường…
Về thị trường, doanh nghiệp muốn bán sản phẩm xanh nhưng thị trường chưa thể hiện sự quan tâm. Vì vậy, họ không đạt được kết quả.
Liên quan tới thuế, phí, đối với dự án mới thì ngành tài chính nên tích cực tìm giải pháp ưu đãi doanh nghiệp, tránh theo truyền thống là sử dụng nguồn lực thì phải nộp thuế, phí. Phải nhìn lợi ích lâu dài thì mới khuyến khích được.
Vấn đề quy hoạch cũng vậy, một doanh nghiệp làm đa ngành trong khi từng ngành lại chỉ làm quy hoạch đơn ngành. Doanh nghiệp điện gió kết hợp làm thuỷ sản, du lịch…, nếu chỉ duyệt quy hoạch này thì doanh nghiệp sau đó lại phải xin phép lại từ đầu.
Thực ra, doanh nghiệp rất nhạy bén với thị trường và lợi nhuận. Nếu nguồn lực thuận lợi và có thị trường thì doanh nghiệp sẽ “bùng nổ”. Đối với doanh nghiệp, tìm ra nguồn vốn không phải là vấn đề lớn, nhất là các doanh nghiệp FDI. Vấn đề chính là chính sách, thời cơ. Do đó, chúng ta cần giải quyết được bài toán này.
Để có thể biến hành động thành hiện thực và đưa chiến lược tăng trưởng xanh cấp quốc gia đi vào thực tiễn, theo ông, cần tập trung vào các giải pháp nào?
Thời gian qua, chúng ta đã tập trung vào việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, lồng ghép thể chế, chính sách để đảm bảo thực hiện và có làn sóng đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ, giao thông xanh và một số hoạt động cộng đồng liên quan tới lối sống xanh.
Tuy nhiên, để hình thành xu hướng chủ đạo trong nền kinh tế, đời sống kinh doanh, hoạt động xã hội thì cần phải làm nhiều hơn nữa trong việc xanh hóa đồng bộ từ nhận thức đến hành động cụ thể.
Đó là hệ thống pháp luật phải đồng bộ, mang tính đa ngành để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn lực, triển khai dự án và cung ứng sản phẩm cho xã hội.
Bên cạnh đó, cộng đồng, xã hội phải tham gia tích cực hơn, rộng hơn để lối sống xanh là lối sống chủ đạo. Khi cổ vũ về giao thông xanh thì cần cộng đồng xã hội tích tham gia, tiêu dùng xanh thì vừa kết hợp tiêu dùng thông thái nhưng cũng cần đi đôi tiết kiệm nguồn tài nguyên sử dụng. Vấn đề là cần nghiên cứu khoa học để mọi người thấy rằng, hành vi ấy có tính tối ưu không chỉ cho xã hội mà còn cho bản thân gia đình, con người và vẫn đạt mục tiêu sống khoẻ, có trách nhiệm với môi trường.
Chặng đường 5 năm là ngắn nên có thể Chiến lược tăng trưởng xanh chưa đạt kết quả cụ thể. Cần phải thống nhất từ nhận thức hành động thì mới đạt kết quả như kỳ vọng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn