Ô nhiễm môi trường từ thành thị tới nông thôn đang ngày càng nghiêm trọng. Thời gian qua, MTTQ các cấp đã rất nỗ lực xây dựng các mô hình điểm bảo vệ môi trường, nhất là tại các xã nông thôn mới. Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đề ra mục tiêu phấn đấu số xã đạt chuẩn NTM đến năm 2015 là 20% và đến năm 2020 là 50%. Tuy vậy, hiện tiêu chí 17 về Môi trường trong 19 tiêu chí xây dựng NTM đang có những vướng mắc, khiến các địa phương khó hoàn thành cũng như duy trì được tiêu chí này đối với các xã đã đạt chuẩn.
Nguyên nhân được chỉ ra là do môi trường nông thôn đang chịu sức ép ô nhiễm ngày càng lớn từ sự gia tăng dân số, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, bỏ trống khâu xử lý chất thải trong chăn nuôi, chất thải nông nghiệp, sinh hoạt, sản xuất nghề…Các hộ chăn nuôi gia đình dù đã xử lý nhưng không triệt để, gây thất thoát xả thải ra môi trường. Các cơ sở sản xuất kinh doanh đa phần nhỏ lẻ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, việc xử lý môi trường là tự phát, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; các làng nghề chưa được quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường…
Tại hội nghị sơ kết tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 vừa diễn ra tại TP HCM, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT đã chỉ ra rằng, trong 5 năm qua, TP HCM có 56/56 xã cơ bản đạt tiêu chí môi trường. Trong đó, thành phố có 54/56 xã đạt tiêu chí nông thôn mới do Trung ương đề ra, đồng thời có 3 huyện là Củ Chi, Nhà Bè và Hóc Môn đã được công nhận là huyện nông thôn mới. Tuy nhiên, theo Bộ tiêu chí mới về nông thôn mới theo đặc thù riêng của TP HCM thì trong giai đoạn 2016-2020 chỉ có 24/56 xã tự đánh giá đạt chuẩn về tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm của xã nông thôn mới.
Với vai trò và vị trí của mình, MTTQ các cấp đã vào cuộc. Từ năm 2006 đến nay, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo trển khai xây dựng các mô hình điểm Khu dân cư bảo vệ môi trường với phương thức: Ở mỗi tỉnh, thành phố, tùy theo đặc điểm của các loại hình khu dân cư vùng thành thị, nông thôn, miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biển, vùng có đông đồng bào tín đồ các tôn giáo để lựa chọn 2 khu dân cư xây dựng mô hình điểm bảo vệ môi trường, sau này nhân rộng tại các địa phương và trong cả nước.
Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã được xây dựng các mô hình điểm và nhân rộng với các loại hình, tên gọi cụ thể: “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” và “Khu dân cư thực hiện hài hoà xoá đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”… Từ mô hình, đã có nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động đa dạng, thiết thực về bảo vệ môi trường được hình thành ở các địa bàn dân cư. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền về nội dung bảo vệ môi trường được duy trì thường xuyên, có tác dụng tích cực, tạo thành phong trào trên địa bàn, giúp người dân xây dựng thói quen về bảo vệ môi trường.
Điển hình như tại xã Tiên Kiên (huyện Lâm Thao – Phú Thọ) để mô hình điểm tự quản bảo vệ môi trường triển khai hiệu quả, MTTQ xã đã tập trung vào công tác tuyên truyền vận động để thay đổi nhận thức của người dân. Các Ban công tác Mặt trận thường xuyên đến các gia đình tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường với phong trào “5 không 3 sạch”, vận động các hộ gia đình chủ động phân loại, thu gom rác thải, xử lý chất thải, nước thải trong sinh hoạt, chăn nuôi cũng như khắc phục các thói quen sinh hoạt, sản xuất và tiêu dùng ảnh hưởng đến môi trường; sử dụng tiết kiệm năng lượng; hạn chế sử dụng túi nilon...
Hay như từ một số mô hình điểm ban đầu ở khu dân cư phường Đa Mai (TP Bắc Giang) và khu dân cư Lai Hòa, xã Quý Sơn (Lục Ngạn), đến nay khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường đã được nhân rộng ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh Bắc Giang; nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân; đóng góp tích cực để xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Theo Thanh Thủy/daidoanket.vn