Đón bằng di tích lịch sử - văn hóa Nhà thờ Nguyễn Đình Liễn
Nguyễn Đình Liễn (1898 - 1931), sinh ra trong một gia đình điển hình về cách mạng thời kỳ Đảng mới thành lập tại làng Lương Điền, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên. Sự nghiệp cách mạng của ông bắt đầu từ sau phong trào Cần Vương, Duy Tân. Năm 1925, ông vào Quảng Trị bắt liên lạc với em trai là Nguyễn Đình Cương (phụ trách tỉnh hội Quảng Trị) và Hà Huy Tập (sau này là Tổng bí thư). Qua chuyến đi này, ông quyết định đi theo tôn chỉ, mục đích của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Năm 1927, ông được kết nạp vào Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Thời kỳ này, phong trào cách mạng ở nước ta phát triển mạnh và đã bước sang một giai đoạn mới, nhiều cuộc đấu tranh của tất cả các giai cấp ra đời dưới sự chỉ đạo của các tổ chức cách mạng, phong trào công nhân, nông dân phát triển mạnh mẽ. Trong phong trào cách mạng phát triển như vũ bão đó, Nguyễn Đình Liễn được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở hội tại Hà Tĩnh.
Với lòng yêu nước, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, Nguyễn Đình Liễn đã đi sâu vào quần chúng nhân dân, tổ chức vận động các nhóm thanh niên ở trong các thôn xã trong huyện Cẩm Xuyên, cùng với sự giúp đỡ của đồng chí Hà Huy Tập, “đã phát triển được 32 hội viên ở các thôn xã. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập. Tại huyện Cẩm Xuyên, ngày 17/7/1930 tại Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ nhất, đồng chí Nguyễn Đình Liễn được bầu làm Bí thư Huyện ủy đầu tiên. Bấy giờ phong trào cách mạng Xô Viết Nghệ - Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Đảng đang lên cao, khí thế đấu tranh của quần chúng nhân dân Cẩm Xuyên sôi sục hòa chung với các địa phương khác. Ngày 8/9/1930, Nguyễn Đình Liễn đã trực tiếp lãnh đạo hàng ngàn nhân dân huyện Cẩm Xuyên và Thạch Hà, giương cao cờ đỏ búa liềm, biểu tình ra đến thành phố Hà Tĩnh. Thực dân Pháp đã dùng các biện pháp để ngăn chặn cuộc biểu tình như dùng báng súng, dùng dùi cui đánh đập, huy động lực lượng, binh lính ngăn chặn ở khắp các nẻo đường. Nguyễn Đình Liễn đã khẳng khái đến trước mặt tên giám binh người Pháp nói rõ các yêu sách của mình. Cuộc xung đột diễn ra quyết liệt, đồng chí Nguyễn Đình Liễn và hàng chục người khác bị địch bắt giam ở nhà lao Hà Tĩnh.
Biết Nguyễn Đình Liễn là người cầm đầu cuộc biểu tình, mật thám Pháp và chính quyền Nam triều Hà Tĩnh thay nhau dùng đủ mọi ngón đòn tra khảo nhằm khai thác thông tin. Nhưng suốt gần bốn tháng liền không thể lung lạc được ý chí của người cộng sản kiên trung, Nguyễn Đình Liễn đã một lòng một dạ giữ vững khí tiết của người cộng sản. Cuối cùng, để đối phó với phong trào cách mạng đang lên như vũ bão, thực dân Pháp và chính quyền Nam triều kết án tử hình đồng chí và mau chóng thực thi.
Nhà thờ Nguyễn Đình Liễn được xây dựng tại làng Hồ Nam, nay thuộc thôn Hưng Nam, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, được xây dựng mới vào năm 2012. Tại đây có trưng bày các tài liệu, hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp của Bí thư Nguyễn Đình Liễn - người chiến sỹ cách mạng kiên trung.
Nhà thờ Nguyễn Đình Liễn đã được xếp hạng là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 2500/QĐ-UBND ngày 28/8/2017.
Minh Đức/http://sovhttdl.hatinh.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn