Với niềm đam mê, cộng với kiến thức được tích lũy từ giảng đường Đại học, sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè và chính quyền địa phương, đến nay đôi bạn trẻ đã thực sự biến đồi hoang, thành trang trại kinh tế tổng hợp cho thu nhập cao.
Kỹ sư trẻ Nguyễn Thị Quỳnh Nga
Tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam vào năm 2014, chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga, sinh năm 1993 quê ở xã Đức Yên, huyện Đức Thọ quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Thuận lợi cho chị Nga đó là gia đình Nga có cơ ngơi trang trại rộng gần 4 ha, trước đó được đấu thầu từ đất vùng đồi núi ở xã Tân Hương. Với kiến thức được học từ giảng đường đại học, nữ kỹ sư trẻ quyết tâm “biến đồi hoang thành trang trại”.
Kỹ sư trẻ Lê Văn Quang chuẩn bị thu hoạch mùa quả đầu ước đạt 25 tấn quả
Với sự tiếp sức của một người bạn học cùng trường, quê ở Thành phố Phủ Lý tỉnh Hà Nam, đó là anh Lê Văn Quang, chị Nga đã vững tin hơn trong công việc. Cũng phải nói thêm rằng, trước đó dù đã có việc làm ổn định tại Hà Nội với mức lương khá cao, nhưng Quang vẫn quyết định đồng hành cùng bạn gái rời bỏ phố thị về với núi rừng.
Hành trình của cặp đôi kỹ sư nông nghiệp 9X khá thuận lợi khi được gia đình đầu tư hơn 300 triệu đồng để cải tạo đất trồng cây ăn quả. Sau 4 năm lao động Trên diện tích gần 4ha đã được phủ kín các loại cây như cam chanh, cam bù, cam sành, quýt ngọt với hơn 2.300 cây. Các loại cây được trồng và chăm sóc bằng biện pháp sinh học hữu cơ nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Sau nhiều cố gắng, đến nay, trang trại của cặp đôi kỹ sư nông nghiệp trẻ có 1/3 diện tích cây ăn quả đã cho quả ngọt đầu mùa. Dự kiến cuối năm nay sản lượng quả ước đạt 25 tấn.
Giống gà Đông Tảo, đặc sản của tỉnh Hưng Yên được nuôi trên vùng đất xã Tân Hương với giá bán từ 800.000 đến 1 triệu đồng/con đang được người dân ưa chuộng
Không dừng lại ở đó, với sức trẻ và tinh thần ham học hỏi, 2 bạn trẻ đã mạnh dạn mở chuồng trại chăn nuôi gà Đông Tảo. Hiện nay, đàn gà đã phát triển hơn 400 con và đã xuất bán ra thị trường. Giống gà đặc sản được mua về từ tỉnh Hưng Yên đang được người dân ưa chuộng. Tân Hương là địạ phương miền núi của huyện Đức Thọ, những năm gần đây phong trào phá bỏ vườn tạp, chuyển đổi cây trồng phát triển kinh tế vườn đồi đã mang lại nhiều thay đổi trong đời sống kinh tế. Chính quyền địa phương đã quan tâm không chỉ về cơ chế chính sách, mà còn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhằm tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất.
Trong khi nhiều thanh niên nông thôn chọn con đường ly hương để ra thành phố hay nước ngoài làm thuê, hoặc tìm đủ mọi cách để đứng chân trong bộ máy nhà nước thì với đôi bạn trẻ Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Lê Văn Quang, họ lại tìm thấy cơ hội cho mình ngay trên chính quê hương. Điều này cho thấy, nếu có ý chí, quyết tâm, sự hiểu biết, năng động sáng tạo thì mỗi người đều có thể tự khai phá và chinh phục cơ hội ngay từ những điều kiện xung quanh mình.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn