Học viên thực hành sửa chữa máy nông nghiệp
Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn triển khai thực hiện. Các phòng chuyên môn, đơn vị và các xã, thị trấn tiến hành rà soát nhu cầu học nghề của người lao động, phân loại đối tượng, xây dựng kế hoạch dạy nghề gắn với tư vấn, giới thiệu việc làm và tạo việc làm mới, đẩy mạnh xuất khẩu lao động.
Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp dạy nghề huyện được đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị, phối hợp, liên kết với các đơn vị trong và ngoài huyện dạy nghề cho lao động nông thôn, học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học; tập trung đào tạo các nghề như sản xuất, chế biến nông sản, cơ khí, sửa chữa điện tử, xây dựng... theo nhu cầu của doanh nghiệp hoặc nhu cầu của học viên nhằm hình thành các mô hình sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Từ năm 2012 đến năm 2016, toàn huyện mở 116 lớp dạy nghề với 3.860 học viên (trong đó: 365 lao động thuộc hộ nghèo, 212 lao động thuộc hộ cận nghèo, 46 lao động thuộc hộ có công với cách mạng, 64 lao động là người khuyết tật).
Cùng với dạy nghề, các phòng chức năng, đoàn thể đã phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho người lao động, nhất là người nghèo, cận nghèo vay vốn giải quyết việc làm, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2012 đến năm 2016, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 608 hộ gia đình có lao động học nghề vay 12.507 triệu đồng. Thực hiện công tác dạy nghề, đến nay, huyện Đức Thọ có 27/27 xã đạt tiêu chí Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo. Phần lớn lao động sau khi được đào tạo đã tìm được việc làm hoặc phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Có thể khẳng định, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn còn một số khó khăn, tồn tại: Chất lượng dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Ngành nghề đào tạo chủ yếu liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp; chưa có khả năng đào tạo các nghề du lịch, dịch vụ, các nghề sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Một số nghề chưa phát huy được hiệu quả sau đào tạo hoặc người lao động chưa duy trì được nghề lâu dài. Ủy ban nhân dân các xã chưa cập nhật kịp thời, đầy đủ thông tin về lực lượng lao động để phối hợp với ngành, đơn vị có liên quan tiến hành đào tạo, giới thiệu việc làm.
Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện Đức Thọ xác định tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp: Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW và các văn bản về công tác dạy nghề đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Giao chỉ tiêu dạy nghề, giải quyết việc làm cho các xã, thị trấn, coi đây là một trong số các tiêu chí bình xét thi đua. Tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển sản xuất, kinh doanh theo mô hình liên kết, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác. Tổ chức tốt các cuộc điều tra nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; điều tra cung, cầu lao động trên địa bàn. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ..., tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.
Mai Thị Ngọc Hà - Ban Tyên giáo Huyện ủy Đức Thọ
http://hatinh.dcs.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn