Đức Đồng biết đến là một vùng quê nghèo thuộc vùng thượng của huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), cách trung tâm huyện 10 km , đời sống nhân dân còn khó khăn. Song giờ đây, vùng quê này đang khoác trên mình màu áo mới khi từng bước xây dựng thành công những tiêu chí nông thôn mới.
Nếu ai đã xa quê độ vài năm, giờ trở về chắc hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những thay đổi của vùng quê nông thôn mới. Những cây cầu bê tông, con đường trải nhựa phẳng lỳ, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi dưới hàng cây xanh rợp bóng...đã không còn xa lạ. Đó cũng là những dấu ấn đậm nét trong lòng của mỗi người dân sau 5 năm xây dựng nông thôn mới.
Nhưng có lẽ không ai mừng vui hơn những người đã, đang và tiếp tục từng ngày thụ hưởng chính thành quả mà có phần công sức của mình và người thân trong gia đình. Hình ảnh làng quê thông thoáng, khang trang, tươm tất hôm nay không khỏi gợi cho nhiều người nhớ về cái thời lầy lội, liêu xiêu trên những lối mòn vào mùa mưa, những chiếc cầu chênh vênh bắc tạm bợ phục vụ cho việc đi lại của người dân trong làng. Tất cả đã trở thành những ký ức buồn đã lùi xa vào dĩ vãng. Chứng kiến quá trình đi lên của quê hương, trong mỗi cư dân nông thôn mới hôm nay đều có chung một cảm nhận: "Thay đổi nhanh quá". Nhiều người còn bày tỏ: "Có mơ cũng không nghĩ được những con đường đất lầy lội, lổn nhổn sống trâu nhỏ hẹp ngày nào giờ trải nhựa, đổ bê tông rộng thênh thang, ô tô có thể vào tận ngõ xóm".
Anh Đoàn Quang Trung thôn Hồng Hoa bày tỏ: "Trước đây, hầu hết đường trong xã là đường đất. Nếu có một con đường nào đó có được rải đá, đầm nền thì cũng rất nhỏ hẹp nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa rất khó khăn. Từ khi xây dựng nông thôn mới, hầu hết đường đã được mở rộng, trải bê tông. Vùng quê thấp trũng ngàn đời, được như thế thì còn gì bằng".
Thật vậy, nông thôn bây giờ thay đổi nhiều lắm, không chỉ là những con đường trục xã, liên xã mà đến từng con đường ngõ xóm. Nhiều con đường trục chính còn được gắn đèn chiếu sáng, trồng hoa hai bên, càng làm cho bức tranh nông thôn mới thêm sống động, tươi vui.
Đức Đồng có được kết quả hôm nay, nhân tố quan trọng không thể không kể đến là sự tham gia, hưởng ứng của người dân. Trên những con đường bê tông phẳng phiu chạy dài hun hút, uốn mình len qua các vườn cây ăn quả của xã nông thôn mới, còn rất nhiều công trình giao thông nông thôn in đậm dấu ấn của cộng đồng, của lòng dân đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn hôm nay. Góp tiền của, công sức, hiến đất, vật kiến trúc... để mở rộng, nâng cấp đường, cầu, các thiết chế văn hóa… là những hình thức hưởng ứng, tham gia của người dân vào xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới.
Mỗi thôn một cách làm, mỗi nơi hưởng ứng một kiểu, nhưng tựu trung là sự đồng thuận, hưởng ứng và tin tưởng của người dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tất nhiên, nông thôn mới không chỉ là đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, mà còn là nâng cao đời sống tinh thần, văn hóa của nhân dân.
Người dân ở đây đã thực sự đóng vai trò chủ đạo trong xây dựng nông thôn mới. Con số 100% đường trục xã gần 1.2 km, trục thôn 4.5 km, 13.18 km đường ngõ xóm và 12.6 km đường trục chính nội đồng; 9/9 thôn có nhà văn hóa khang trang phục vụ cho tất cả người dân; những ngôi trường đạt chuẩn; thu nhập bình quân đầu người 30,5 triệu đồng/năm… Những kết quả đạt được trên các tiêu chí đã cho thấy sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền xã và sự hưởng ứng, đồng thuận của người dân xã Đức Đồng. Đây chỉ một trong những ví dụ điển hình mà xã đã phát huy hiệu quả sức mạnh của cộng đồng, dựa vào dân để xây dựng nông thôn mới.
Ông Trần Tình – Chủ tịch UBND xã cho rằng, điều đầu tiên trong xây dựng nông thôn mới là cần phải coi trọng công tác tuyên truyền vận động để mọi người dân nắm vững được trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mình, từ đó tạo được tính tích cực, tự giác và người dân sẽ đồng hành với chính quyền để triển khai. Việc phân công phân nhiệm cụ thể, rõ ràng cho các thành viên Ban chỉ đạo, các tổ chức đoàn thể trong việc phối hợp với các tổ xóm để tập trung hướng dẫn, chỉ đạo cũng cần được quán triệt sâu sắc. Đội ngũ cán bộ phải thực sự gương mẫu, đoàn kết, trách nhiệm và phải biết sự hy sinh thời gian, quyền lợi trước mắt của mình cho cộng đồng, làng xã.
“Bài học lớn nhất là biết khơi dậy sức dân, trí tuệ và sự chủ động, sáng tạo của người dân; lấy dân làm trung tâm, tuyên truyền cho dân hiểu mục đích xây dựng nông thôn mới là nhằm nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, xây dựng quê hương giàu đẹp. Trong quá trình thực hiện phải luôn coi dân là chủ thể, xã, thôn trực tiếp động viên, cổ vũ, điều hành, huyện là cấp định hướng và hỗ trợ bằng các cơ chế chính sách” – ông Tình nhấn mạnh.
Theo Minh Hà/congluan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn