02:25 EST Thứ hai, 23/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Hoạt động các địa phương » huyện Hương Khê


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Lạc hậu dần lùi xa người Chứt bản Rào Tre

Chủ nhật - 24/06/2012 03:30
Từ khi rời bỏ hang đá trong rừng sâu về nơi ở mới - bản Rào Tre, xã Hương Liên (Hương Khê - Hà Tĩnh) - người Chứt đã có cuộc sống mới ấm no, đủ đầy...

Nguồn cội
Giữa cái nắng bỏng rát của mùa hè miền Trung, vượt hàng trăm cây số đường rừng hiểm trở, chúng tôi về bản Rào Tre khi trời đã về chiều.
Ngược về quá khứ, khoảng tháng 4/1958, một số người dân đến UBND huyện Hương Khê trình báo việc có nhiều người ăn mặc rách rưới vào địa phận của huyện, có những việc làm khác lạ, nói bằng tiếng Kinh trọ trẹ. Cả huyện xôn xao bàn tán. Người thì bảo đó là dân tộc Rục, Cọi từ Quảng Bình di cư sang, kẻ lại đoán đó là người Lào. Cán bộ đi tuần tra trên rừng làm câu chuyện thêm màu sắc khi kể về những người đi săn mà họ phát hiện được. Những người ấy đều ăn mặc rách rưới hoặc trên mình không mảnh vải che thân.
Trước tình hình đó, chính quyền huyện Hương Khê chính thức vào cuộc, điều tra làm rõ. Cuối năm 1958, một số cán bộ huyện được phân công đi tìm hiểu và phải mất cả tháng trời, những vị khách bí ẩn ấy mới xuất hiện. Nhưng khổ nỗi, vốn tiếng Kinh của họ quá ít, chỉ đủ để chào, đổi thú rừng lấy gạo, không ai giao tiếp nổi với họ. Một câu hỏi được đặt ra, hay là họ đến từ nước Lào? Và những người biết tiếng Lào được mời đến, nhưng cũng chỉ lắc đầu vì không thể hiểu “ người lạ” nói tiếng gì.
May thay, sau nhiều lần tìm kiếm, đoàn cán bộ cũng gặp được một “vị khách lạ” nói tiếng Kinh khá tốt. Họ tự nhận là Maleng (chẳng ai biết maleng là gì nên đọc chệch thành Mã Liềng), có nguồn gốc từ Lào, sống trên núi với khoảng hơn chục hộ. Biết chắc có đồng bào dân tộc còn chưa được phát hiện sống ở địa bàn, chính quyền huyện Hương Khê bắt đầu cuộc tìm kiếm.
Năm 1959, huyện thành lập đoàn khảo sát, thực hiện nhiệm vụ đi tìm dân tộc chưa rõ lai lịch. Theo chỉ dẫn của những vị khách bí ẩn, họ sống trên núi, chỗ ngã ba Lào, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Dự đoán dân tộc ấy kiểu gì cũng phải sống gần nguồn nước, đoàn khảo sát quyết định “hành quân” theo sông Tiêm, ngược dãy Trường Sơn. Hành trình theo dòng sông ròng rã như thế suốt hai ngày trời mà không có kết quả. Đến ngày thứ ba, khi bụng đói, chân mỏi, mắt mờ thì bỗng có người nhìn thấy những ánh lửa lập lòe trong hang đá. Quên cả mệt và đói, mọi người chạy vội đến thì thấy xung quanh có nhiều hang đá và những túp lều rách nát dựng bằng cây rừng.
Thấy người lạ, những người trong hang chạy ra ngó nghiêng rồi phi thẳng vào rừng sâu hoặc trèo lên cây trốn. Một số người can đảm hơn ở lại nhìn đoàn cán bộ với ánh mắt dò xét.
Sau khi phát hiện dân tộc mới, cán bộ huyện Hương Khê đã mất hàng tháng trời để làm quen, vận động và gọi từng người từ trong hang đá ra, tập trung lại và “hành quân” về xóm Vĩnh Thắng, xã Hương Vĩnh. Ở đây một thời gian, mọi người lại lên rừng, chọn chỗ đất tốt dựng bản, đặt tên là Mèo Thây (bây giờ là bản Rào Tre) thuộc địa phận xã Hương Liên. Cuộc sống mới của người Chứt bắt đầu…
Chính quyền huyện Hương Khê cử một số cán bộ lên ở với bà con để dạy chữ, dạy cách định canh định cư, làm kinh tế. Hàng năm, huyện đều tổ chức phát gạo, muối, quần áo. Người Chứt bắt đầu được cán bộ dạy tiếng Kinh, họ xin được mang họ Hồ. Một trưởng bản được bầu ra.
Đổi thay 
 
Một góc bản Rào Tre hôm nay.

 
Từ khi về nơi ở mới, cuộc sống của người Chứt thay đổi hoàn toàn, các tập tục lạc hậu dần bị loại bỏ. Người Chứt vốn rất mê tín và tin vào việc mọi người đều có linh hồn sau khi qua đời. Chính vì thế, nếu gia đình nào có người mất đi, lập tức họ sẽ đặt người chết lên các hốc đá trong rừng, sau đó vào rừng tìm những cây thật to, bóc lấy lớp vỏ và bó vào thi thể người chết, để như thế đúng một ngày một đêm. Trước khi từ biệt, mỗi người trong bản sẽ dùng dao cắt một miếng trên vỏ cây đã được dùng để bó thi thể người chết mang theo trong người và để lại thi thể một ít thóc, củi, dao, nồi… Họ tin rằng nếu làm như vậy, linh hồn người chết sẽ luôn bên cạnh, phù hộ, giúp đỡ trồng được nhiều lúa, săn được nhiều thú.
Người Chứt cũng có một tập tục rất lạc hậu mà phải đến hàng chục năm, cán bộ bám bản mới xóa bỏ được. Đó là phụ nữ khi đến kỳ sinh nở hoặc những ngày “đèn đỏ” phải ở một mình ngoài rừng, sát bên bờ suối.
Bên cạnh tập quán lạc hậu, người Chứt cũng có những nét văn hóa khá đặc sắc. Họ có tập tục cúng lúa mới bằng cách gặt lúa rẫy về, rang gạo để cúng. Ngày cúng lúa mới, đồng bào cùng quây quần và hát những bài hát bằng tiếng dân tộc trong tiếng đàn Chơ-ra-bon khuấy động núi rừng. Cây đàn Chơ–ra–bon có lẽ là nhạc cụ duy nhất mà người Chứt còn lưu giữ được. Chiếc đàn chỉ gồm một ống nứa và một sợi dây cước, dùng một thanh nứa mỏng, dẹt kéo qua kéo lại. Chiếc đàn tuy đơn sơ nhưng phát ra những âm thanh rất du dương.
 
Những em bé người Chứt.


Người Chứt bản Rào Tre có sở thích ngủ ngày, ngủ trên cây. Về phong tục cưới hỏi, người con trai nếu thích một người con gái trong bản thì chỉ cần mang một bó củi lớn đến đặt ở ngõ nhà người con gái, nếu như gia đình người con gái mang củi vào nhà thì nghĩa là họ đồng ý, hai người về ở chung với nhau cho tới khi người con gái có thai thì hai vợ chồng được làm nhà ra ở riêng.
Tộc người Chứt luôn nhận được sự chăm sóc ân cần của bác sĩ Trần Tử Phượng, Đội phó tổ công tác đặc biệt bản Rào Tre, Đồn biên phòng 575 thuộc Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh.
Anh Phượng tâm sự: “ Những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ bám bản, chăm lo sức khỏe cho bà con, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Trình độ dân trí quá thấp, nên việc tiếp cận chữa bệnh theo khoa học không đơn giản bởi họ chỉ tin ở thầy mo. Nhưng rồi theo thời gian, chúng tôi cũng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Sức khỏe người dân luôn được đảm bảo”.
Đời sống người Chứt giờ khấm khá hơn. Tuy vậy, khó khăn vẫn còn nhiều, thực hiện nhiệm vụ bám bản hơn 11 năm, có lẽ không ai hiểu người Chứt hơn cán bộ thuộc tổ công tác đặc biệt bản Rào Tre.
Thiếu tá Dương Thanh Tịnh, đội trưởng cho biết: “Sau nỗ lực của anh em, người Chứt đã có nhà cửa đàng hoàng, có của ăn của để. Tuy nhiên, còn một số vấn đề khiến chúng tôi băn khoăn, đó là: Đất canh tác cho người dân chỉ được khoảng 2ha, sau mỗi mùa mưa lũ lại bị xói mòn; bà con chưa có nghề nghiệp ổn định để cải thiện cuộc sống; việc học hành của con em trong bản dở dang. Đó là chưa kể tình trạng hôn nhân cận huyết ở đây đã đến hồi báo động, nếu không có hướng giải quyết thì có thể ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi”.
Rào Tre giờ đã có 3 đảng viên và hai quần chúng chuẩn bị kết nạp. Nhờ sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, sự tận tình chỉ bảo, sự sát sao của những người lính biên phòng, người Chứt đã có một cuộc sống mới.
“Cuộc sống của dân bản ta giờ ấm no hơn trước rồi, không còn cảnh sống trong hang núi nữa, nhờ ơn Đảng, Nhà nước, nhờ ơn cán bộ biên phòng cả đấy”, Trưởng bản Hồ Kính chia sẻ.
Theo kinh tế nông thôn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 269

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 268


Hôm nayHôm nay : 27685

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 978714

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72661423