1. Mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại sinh sản xã Kỳ Bắc - một hướng đi phù hợp với xu thế phát triển
HTX Hoàng Châu xã Kỳ Bắc chăn nuôi theo hình thức gia công, liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi MITRACO Hà Tĩnh, quy mô 350 con lợn nái ngoại sinh sản có mặt thường xuyên, gần 9.000 lợn con/năm, mức đầu tư ban đầu gần 10 tỷ đồng, hoàn thành xây dựng năm 2012.
Đây là mô hình điển hình của sự năng động, sáng tạo, mạnh dạn đầu tư đúng hướng của doanh nhân (ông bà Châu Đoài), chuyển một phần kinh tế từ kinh doanh xây dựng sang đầu tư kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp. Mô hình thực sự đã đón đầu thời cơ phát triển chăn nuôi, một xu hướng phát triển mới ở Việt Nam. Đồng thời phát triển đúng hướng theo chính sách Nhà nước. Vừa mới đưa vào hoạt động, mô hình đã khẳng định được hiệu quả kinh tế, ước tính lợi nhuận tiền tỷ mỗi năm.
Xuất phát từ học tập mô hình này, năm 2013, dự kiến có 2 HTX đầu tư cơ sở chăn nuôi lợn nái ngoại sinh sản với quy mô lớn hơn, 600 lợn nái ngoại/cơ sở.
Chăn nuôi lợn nái của Công ty MITRACO
2. Mô hình chăn nuôi lợn thịt, đi lên từ khó khăn, thiếu thốn:
Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Sỹ tại xã Kỳ Hưng, nuôi theo hình thức liên kết, gia công với Công ty Cổ Phần Chăn nuôi MITRACO từ năm 2010, là mô hình liên kết đầu tiên tại huyện Kỳ Anh, quy mô phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, 300 con/lứa.
Khác với nhiều mô hình khác, từ chỗ không có tiền đầu tư, không có kỹ thuật chăn nuôi, không có đất phát triển, nhưng nhờ nắm bắt thông tin, chính sách kịp thời, có phương pháp vận dụng sáng tạo và có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình anh đã thành công, mỗi năm thu nhập khoảng 120 triệu đồng.
“Không có tiền đầu tư thì phải mạnh dạn vay vốn ngân hàng, không có kỹ thuật thì vận dụng nuôi liên kết, gia công với Công ty có uy tín, không có đất thì vận động đổi đất ruộng cho gia đình khác để lấy đất xây dựng khu chăn nuôi ...”- anh Sỹ cho biết. Đó là cách làm mới của một mô hình đã thành công từ khó khăn, thiếu thốn.
Với quy mô và phương pháp như vậy, mô hình đã được nhiều hộ gia đình tham khảo, học tập. Hiện tại, có khoảng 10 hộ nông dân đang chuẩn bị đầu tư chăn nuôi theo hình thức này nhưng quy mô lớn hơn, từ 500 – 1.500 con lợn thịt/lứa.
3. Thành công nhờ coi trọng kỹ thuật và kinh nghiệm
Tọa lạc dưới chân Rú Cày, đàn gà khoảng 2 ngàn con bay ra vàng đỏ rực rỡ dưới ánh nắng ban mai, trong đó có 700 mái, đàn vịt đẻ trứng 1.000 con tung tăng dưới ao cá rộng hơn 1 ha, lúa đang lên xanh mơn mởm ước chừng 20 sào, rừng cây keo lai 10 ha đang chuẩn bị cho thu hoạch; chủ nhân bận rộn với chiếc điện thoại di động trả lời với ai đó rằng công suất máy ấp gà cỏ của anh 10 ngàn con nhưng quý khách thông cảm cho vì người khác đã đặt hàng trước rồi .... . Đó chính là hình ảnh mà chúng tôi đã được chứng kiến tại trang trại của anh Lương Xuân Lộc xã Kỳ Phong, với mức thu nhập không dưới 200 triệu đồng/năm.
Anh Lộc cho biết: chăn nuôi gà rất khó, phải áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ vài chục con, đến nay anh đầu tư chăn nuôi quy mô lớn hơn là nhờ làm chủ được kỹ thuật, biết tích lũy kinh nghiệm. Nắm bắt được bà con nông dân trong và ngoài huyện đang rất cần giống gà cỏ sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo, nên anh đã đầu tư máy ấp trứng để sản xuất con giống nhưng nguồn trứng chỉ sử dụng từ đàn gà của anh và gà con nở ra anh nuôi thêm 1 tuần, nhờ thế bà con nông dân mua gà của anh về dễ nuôi , tỷ lệ sống cao, an toàn dịch bệnh, khả năng thích nghi tốt, cho hiệu quả kinh tế cao, do đó người đặt hàng nhiều nhưng không đủ để bán....
Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học huyện Kỳ Anh
4. Người phụ nữ có kỹ thuật và biết xoay xở đối phó với thị trường bấp bênh:
Đó là chị Nguyễn Thị Minh xã Kỳ Bắc, một mình bươn chải chăn nuôi 35 con lợn nái ngoại (siêu nạc), số lợn con ước tính được đẻ ra mỗi năm gần 900 con, phần lớn lợn này chị để lại nuôi. Nhờ vậy, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Chị phân tích rằng: có thời gian thì lãi lớn, một con lợn con nuôi đến cai sữa lãi 500.000 đ/con, nếu nuôi tiếp đến khi bán thịt thì lãi 1 triệu/con. Điều này có nghĩa là một lợn nái nuôi khép kín (số con đẻ ra 25 con/nái/năm để nuôi toàn bộ) sẽ cho thu nhập 25 triệu đồng/nái/năm. Nhưng giá lúc thấp nhất như cuối năm 2012 thì vẫn không bị thua lỗ.
Chị cho biết: tôi áp dụng triệt để tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi là để tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế; thức ăn mua tận gốc, không qua khâu trung gian là giảm giá thành đáng kể; nâng dần quy mô lớn là giảm được chi phí và nhân công; nuôi khép kín, lợn nái đẻ ra bao nhiêu để nuôi bấy nhiêu là điều kiện rất quan trọng để quản lý, phòng chống dịch bệnh; đàn lợn thịt tháng nào cũng có xuất chuồng nên điều hòa được giá trung bình của cả năm....
Những lời của chị tâm sự có lẽ là xuất phát từ bức bách của thực tiễn mà thành kinh nghiệm, thành sáng kiến, thành triết lý cho một mô hình kinh tế chăn nuôi phát triển bền vững. Chị cũng đang chuẩn bị chuyển số lợn này về trang trại xa khu dân cư để đảm bảo môi trường và dịch bệnh, phát triển quy mô lớn hơn.
5. Mô hình nuôi chim cút đẻ trứng đáp ứng nhu cầu thị trường tại chỗ: của ông Đặng Xuân Hùng xã Kỳ Hoa, thu nhập trên 100 triệu/năm.
Mô hình với quy mô 3.000 con chim cút đẻ trứng, chưa phải là lớn nhưng cho thu nhập tương đối cao. Sự thành công của mô hình là do chủ hộ biết phân tích, đánh giá nhu cầu thị trường, chịu khó học tập kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi, đầu tư con giống đảm bảo chất lượng, lựa chọn cơ sở cung cấp thức ăn có uy tín lớn trên thị trường. Sản phẩm trứng chim cút của chủ hộ có chất lượng, uy tín, được tiêu thụ có đơn đặt hàng trước, sản xuất đến đâu bán đến đó, bán giá cao hơn giá bình quân của thị trường.
6. “Có vàng cất trữ nhờ giữ con trâu”
Do không có diện tích đất đai để chăn nuôi, gia đình nông dân Trần Văn Thông ở Kỳ Phong tranh thủ thời gian nông nhàn đi cắt cỏ, chăn dắt thêm một con trâu sinh sản và một con nghé. Cứ mỗi năm khi trâu mẹ đẻ nghé mới thì bán con nghé trước. Năm 2012, tiền thu từ một con nghé được 18 triệu đồng, đủ để mua 4 chỉ vàng cất trữ chuẩn bị làm việc khác.
Đây không phải thuộc mô hình chăn nuôi điển hình, nhưng là điều đáng suy ngẫm cho nhiều người trong bối cảnh chăn nuôi trâu, bò của huyện Kỳ Anh đang tiếp tục có xu hướng giảm về số lượng, nhiều nông dân đã từ bỏ con vật thân thuộc này.
Như vậy, chúng ta có thể cảm nhận rằng, chủ các mô hình chăn nuôi cũng là những nhà kinh tế tài ba ở khu vực nông thôn, họ biết tính toán, xoay xở, linh hoạt lựa chọn đầu tư phát triển kinh tế phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình để khai thác tiềm năng có hiệu quả, nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương Kỳ Anh.
Theo kyanh.gov.vn