Đồng chí Đặng Quốc Vinh, PCT UBND tỉnh kiểm tra công trình lũy đá cổ Kỳ Lạc.
Luỹ đã cổ nằm ngay ở eo đỉnh núi Hương thuộc thôn Lạc Thắng – xã Kỳ Lạc – Huyện Kỳ Anh. Được các nhà khảo cổ học phát hiện vào năm 1993. Hệ thống Lũy đá cổ Kỳ Anh được ghép bằng những phiến đá tự nhiên màu xám đen, nằm theo trục từ đông sang tây có chiều dài hơn 1km, chiều rộng 5-7 mét, độ cao trung bình 3- 4 mét và cách 50 mét lại được bố trí một trạm gác gồm có hỏa hiệu, ụ súng và nơi sinh hoạt của binh lính.
Thành lũy đá cổ ở Kỳ Anh là một đoạn còn lại trong hệ thống lũy cổ Lâm Ấp (thời kỳ Đại Việt - Chăm Pa) kéo dài từ Tây sang Đông với độ dài khoảng trên 30 km do chúa Lâm Ấp là Phạm Văn (345-375) khởi công xây dựng để bảo vệ biên giới.
Đến nay luỹ đã cổ đang nằm trong tình trạng báo động do người dân khai thác cây lấy gỗ, mưa lũ làm xói mòn sạt lở, và sự tác động của con người nên hiện nay luỹ đá cổ chỉ còn chiều dài gần 1km.
Qua khảo sát thực địa, đồng chí Đặng Quốc Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh; Đây là công trình mang tính lịch sử quan trọng cần phải bảo vệ trách tình trạng xuống cấp và mất hẳn di tích này. Đồng chí yêu cầu huyện Kỳ Anh cần có đề án bảo vệ phục hồi, gắn biển nêu rõ di tích để người dân có thể xem, cho Đoàn Thanh niên tại xã tổ chức phát quang cây xung quanh luỹ đá, đồng thời sở Văn hoá phối hợp với Bộ Văn hóa cần xem xét để phát huy di tích vì đây là có giá trị văn hoá lịch sử, nhằm bảo tồn giá trị kiến trúc thành luỹ cổ phục vụ cho công tác nghiên cứu và du lịch của tỉnh Hà Tĩnh.
Thay mặt lãnh đạo huyện, đồng chí Nguyễn Xuân Thuỷ, UVBTV, Phó Chủ tịch UBND huyện tiếp thu ý kiến của lãnh đạo tỉnh và mong muốn về phía tỉnh và bộ Văn hoá – Thông tin cần quan tâm hơn nữa tạo mọi điều kiện để huyện Kỳ Anh tiếp tục bảo tồn phát huy những giá trị mang tính lịch sử quan trọng của Luỹ đá cổ Kỳ Lạc.
Theo Trung Anh/kyanh.hatinh/gov/vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn