Trước đây, chị Phan Thị Quế ở xã Kỳ Ninh ( TX. Kỳ Anh) vốn là thợ may, do làm ăn khó khăn. Năm 2015, chị Quế cũng như nhiều hội viên Nông dân khác được tập huấn KHKT về chăn nuôi, trồng trọt. Ý chí làm giàu đã nhen nhóm trong chị, sẵn có vùng đất bãi hoang ở xã Kỳ Ninh chị đã bàn với chồng xin địa phương thuê đất để làm kinh tế trang trại chăn nuôi tổng hợp. Số vốn tích góp được của chồng từ những chuyến đi xuất khẩu lao động và vay thêm ít vốn của Ngân hàng, gần 1,5 tỷ đồng chị đã đầu tư vào cải tạo trang trại, xây dựng chuồng trại khép kín để nuôi lợn rừng, nuôi gà và đào ao thả cá. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm. Đến nay,trang trại của gia đình chị có trên 40 con lợn rừng, 500 con gà cỏ thả vườn, cùng hàng nghìn con cá trắm, cá chép các loại. Trang trại của chị hiện tự nhân giống lợn rừng nên đã mang lại hiệu qủa kinh tế khá cao.
Phát huy tiềm năng lợi thế của xã vùng biển, những năm qua, Hội Nông dân xã Kỳ Ninh đã phối hợp với các cấp, các ngành, tổ chức cho hội viên tạo điều kiện vay vốn, tập huấn chuyển giao KHKT. Nhờ vậy, nhiều hội viên đã mạnh dạn vay vốn đóng mới tàu thuyền có công suất lớn vươn khơi bám biển, nhiều mô hình thu mua chế biến thủy hải sản đã tự khẳng định thương hiệu đạt chuẩn Ocop, nhiều mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi có quy mô, cùng các vườn mẫu mát mắt hoa trái đã mang lại hiệu quả kinh tế khá rõ nét ở vùng quê miền biển.
Tận dụng nguồn nước tự nhiên ở vùng khe Cồn Mộc ở phường Kỳ Long, được sự hỗ trợ về KHKT của Trung tâm ứng dụng cây trồng vật nuôi thị xã, tháng 8/2018, gia đình hội viên Lê Thị Xuân đã mạnh dạn đưa mô hình cá Chình vào nuôi thử nghiệm. Ban đầu, gia đình thả nuôi hơn 400 con cá Chình trên diện tích 500m2, sau hơn một năm nuôi thả, cá Chình phát triển tốt, gia đình đào thêm 3 hồ với diện tích 200m2 thả nuôi hơn 1000 con cá Chình. Dự kiến, sau 24 tháng, lứa cá đầu tiên sẽ cho thu hoạch và được công ty ở Quảng Bình bao tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm. Đây là mô hình nuôi cá Chình đầu tiên trên địa bàn thị xã Kỳ Anh đang hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau khi nhường đất cho dự án Fomosa, được nguồn vốn vay tín chấp từ Hội Nông dân, Anh Lê Thanh Phan đã cùng gia đình lên vùng đồi núi thuộc khu đồi 41 ở Kỳ Phương để khai hoang lập nghiệp. Buổi đầu chưa có kinh nghiệm nên anh chị đã trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày và đầu tư chăn nuôi. Dù không ít lần thất bại rủi ro, nhưng với ý chí quyết tâm của một Nông dân năng động tháo vát, vợ chồng chị tiếp tục tìm các loại cây con phù hợp. Anh chị đã đầu tư vào chăn nuôi lợn nái, nuôi bò, nuôi dê và gà cỏ thả vườn. Nhờ cần cù, chịu khó, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỷ thuật vào chăn nuôi trồng trọt, nên hiện nay trang trại vợ chồng anh Phan đã trở nên trù phú nhất vùng. Trên diện tích 21 ha, trong đó có 18 ha tràm bạt ngàn xanh tốt, 40 con bò cùng hàng chục con dê, 200 con lợn thương phẩm và các loại cây cối có giá trị kinh tế khác.
Ông Dương Tri- Chủ tịch Hội Nông dân Thị xã Kỳ Anh cho biết thêm: “Những năm qua, các cấp Hội Nông dân ở thị xã Kỳ Anh đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin giúp cho người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. “Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã góp phần khơi dậy trong mỗi hội viên nông dân ý chí, dám nghĩ, dám làm, vượt qua mọi khó khăn để vươn lên làm giàu. Các hộ nông dân đã tích cực, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Năm 2019, trên toàn địa bàn thị xã đã có 3.148 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân SXKDG các cấp (trong đó TW là 14 hộ, tỉnh: 125 hộ; thị xã: 468 hộ và cấp xã, phường: 2541 hộ). Trong năm, thị xã đã thành lập được 65 mô hình kinh tế cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên.
Với ý chí quyết tâm, dám nghĩ, dám làm của hội viên Nông dân thị xã Kỳ Anh cùng với sự tiếp sức hỗ trợ đồng hành của các cấp Hội Nông dân. Tin rằng trong thời gian tới, trên địa bàn thị xã Kỳ Anh sẽ xuất hiện thêm nhiều mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, phấn đấu cùng thị xã Kỳ Anh trở thành đô thị loại III vào năm 2020.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn