Khu rừng tràm rộng mênh mông đưa chúng tôi lạc vào trang trại của anh Dương Văn Tùng, thôn Đồng Lạc, xã Kỳ Văn – Một điển hình vượt khó làm giàu trên chính mảnh đất quê hương từ mô hình chăn nuôi kết hợp “Vườn – Ao - Chuồng” (VAC).
Để khai thác lợi thế, tiềm năng từ diện tích đồi rừng, cách đây 24 năm, chàng trai trẻ Dương Văn Tùng đã mạnh dạn lên vùng đồi núi này để “sinh cơ lập nghiệp”. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, được sự hỗ trợ từ Dự án PAM – 4304 trước đây, cùng với sự cần mẫn, anh đã vui buồn với từng vườn cây, ao cá, quyết tâm gắn bó với rừng. Xuất phát từ phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ban đầu gia đình anh chỉ đầu tư mô hình VAC nhỏ lẻ. Sau dần dần có vốn tích lũy, anh tiếp tục mở rộng quy mô. Đến nay, trang trại của anh đã rộng tới 72 ha, trong đó có hơn 30 ha diện tích tràm xanh tốt; 40ha diện tích hồ nuôi cá nước ngọt.
Với quan niệm “Phi thương bất phú”, những ngày đầu lập nghiệp, ngoài nuôi cá tại trang trại, anh còn vất vả nhận thầu các hồ, đập trên địa bàn huyện để nuôi cá nước ngọt. Với số vốn tích góp được từ nguồn thu nuôi cá, anh tiếp tục đầu tư sang nuôi bò, lợn, dê… cùng với thâm canh thêm cây sắn, khoai, lạc để dùng làm phụ phẩm phục vụ thức ăn trong chăn nuôi. Đến nay, trang trại của anh đã có 40 con bò nhốt, bò thả rông và hàng chục con lợn rừng cùng với dê, gà, ngan, ngổng... Anh tâm sự:“Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng rất có hiệu quả, cho thu nhập cao, có thể tận dụng được nhiều lợi thế. Riêng hồ cá, mỗi tháng có thể cho thu nhập xấp xỉ 30 triệu đồng…”.
Nhận thấy hướng chăn nuôi kết hợp vườn ao chuồng có lãi, tháng 10 năm 2013, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh đã mạnh dạn vay 500 triệu đồng với lãi suất ưu đãi từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) để đầu tư phát triển quy mô trang trại. Theo Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Tiến Điền thì: “ đây là một mô hình điển hình trong toàn xã, cho lợi nhuận cao và có tính bền vững lâu dài …”
Đến nay, quy mô trang trại của anh Dương Văn Tùng được đánh giá là một mô hình VAC sản xuất có hiệu quả và đã được cấp “Giấy chứng nhận đạt tiêu chí trang trại” theo tiêu chí quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mỗi năm, doanh thu đạt trên 1,5 tỷ đồng và cho lợi nhuận từ 400 - 450 triệu đồng. Hiện nay trang trại của anh giải quyết công ăn việc làm cho 6 nhân công trên địa bàn xã và các vùng lân cận, với mức lương 4 triệu đồng/tháng.
Trao đổi với phóng viên Sau hơn 20 năm gắn bó với trang trại, giờ đây cuộc sống của gia đình anh đã sung túc, có trong tay một cơ ngơi trang trại mà ai cũng mơ ước, có thể nói đó là thành quả bước đầu sau những tháng ngày bươn chải, khó nhọc trước đây. Không chỉ chú tâm vào phát triển kinh tế, anh Tùng còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương, sẵn sàng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với các hội viên hội nông dân và bà con lối xóm. Cái tên: “Ông chủ trang trại nước ngọt” vẫn thường được mọi người gọi khi nhắc đến anh./
Hoàng Hạnh - Anh Tuấn
Đài Truyền thanh - Truyền hình Kỳ Anh