Đến nay, có 9/13 xã đã được thụ hưởng chính sách theo nghị quyết gồm: Thạch Kim, Thạch Bằng, Thạch Châu, Thạch Mỹ, Hồng Lộc, Tân Lộc, Phù Lưu, Ích Hậu và Hộ Độ với tổng số tiền 3.011 triệu đồng, đạt 39% tổng số vốn bố trí (HĐND huyện đã bố trí 7.687 triệu đồng để thực hiện nghị quyết). Còn 4 xã Mai Phụ, Bình Lộc, An Lộc, Thịnh Lộc chưa được hưởng chính sách. Có 46 tổ chức, cá nhân được hưởng chính sách, trong đó có 9 tổ chức, các nhân được hưởng chính sách theo nghị quyết; 37 tổ chức, cá nhân được hưởng chính sách chuyển tiếp từ Quyết định số 05 của UBND huyện. Cụ thể, có 23 đối tượng tại hai xã Thạch Kim, Thạch Bằng được hỗ trợ khai thác thủy sản với tổng kinh phí 2.350 triệu đồng, chiếm 78%; 01 đối tượng tại xã Tân Lộc được hỗ trợ chăn nuôi lợn giống ngoại cấp ông bà và cấp bố mẹ có quy mô tập trung 450 nái với số tiền 200 triệu đồng; 01 đối tượng tại xã Thạch Mỹ được hỗ trợ thành lập mới Hợp tác xã với số tiền 20 triệu đồng; 17 đối tượng tại xã Hộ Độ được hỗ trợ sản xuất muối với số tiền 27,5 triệu đồng: 03 tổ chức, các nhân tại xã Phù Lưu, Ích Hậu, Hồng Lộc được hỗ trợ cải tạo đất phèn, khén, bãi bồi hoang hóa đưa vào sản xuất với số tiền 394 triệu đồng với tổng diện tích cải tạo là 29,7 ha; 01 đối tượng tại xã Thạch Châu sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao được hỗ trợ với số tiền 20 triệu đồng.
Mặc dù đã đạt được những kết qủa nêu trên, song qua giám sát của Thường trực HĐND huyện cho thấy, việc triển khai thực hiện nghị quyết vẫn còn bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tiếp theo để nghị quyết ngày càng phát huy hiệu quả cao hơn, thực sự mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Trước hết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghị quyết ở một số địa phương, đơn vị chưa thực sự quyết liệt; việc đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo của UBND huyện, các phòng chuyên môn liên quan chưa được sâu sát, thường xuyên. Công tác tham mưu, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các kế hoạch về trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có thời điểm, giai đoạn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Công tác hướng dẫn người dân tiếp cận các chính sách còn hạn chế, chưa được thực hiện thường xuyên, còn chưa kĩ lưỡng, do vậy nhiều nhóm chính sách, nhiều xã chưa thụ hưởng được chính sách. Các mô hình sản xuất, kinh doanh tăng chậm; hầu hết các cơ sở sản xuất, các mô hình sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, không đảm bảo sản xuất theo hướng khép kín, thiếu sự liên doanh, liên kết nên thiếu tính bền vững. Bên cạnh đó, quy định một số chính sách hỗ trợ của nghị quyết trong thực tiễn còn chưa thực sự phù hợp, một số nội dung chưa sát với thực tiễn nên hiệu quả tác động đến phát triển sản xuất chưa cao.
Theo Thường trực HĐND huyện, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên chính là do công tác triển khai nghị quyết chưa được thực hiện thường xuyên, đồng bộ; thiếu sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ các ngành chuyên môn. Đặc biệt ở một số xã, thôn công tác triển khai, phổ biến chính sách đến cho người dân còn nhiều bất cập, hạn chế nên người dân khó tiếp cận tới các chính sách. Do vậy nhiều xã vẫn chưa có mô hình được hỗ trợ, nhiều nội dung trong nghị quyết vẫn chưa được triển khai. Mặt khác, điều kiện tự nhiên, hạ tầng cho nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu, phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, tập quán sản xuất..., nên các mô hình trong lĩnh nông nghiệp, nông thôn còn tự phát, quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún nên chưa đủ các tiêu chí để được hưởng các chính sách hỗ trợ. Sự cố môi trường biển xẩy ra, dịch bệnh cây trồng, chăn nuôi rớt giá, ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lụt nên đã có tác động ảnh hưởng đến việc triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết.
Để các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới huyện Lộc Hà giai đoạn 2016 - 2020 thực sự phát huy hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của địa phương, vùng miền, lĩnh vực và có tác động mạnh mẽ đến sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, trong thời gian tới Thường trực và các Ban HĐND huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết. Tham gia, phối hợp với các phòng, ngành chức năng trong quá trình xây dựng kế hoạch, đề án phát triển sản xuất, các chính sách về nông nghiệp, nông thôn; đồng thời kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các kết luận sau giám sát của Thường trực HĐND, các Ban HĐND huyện.
Bên cạnh đó, Thường trực HĐND huyện cũng đề nghị UBND huyện, các phòng, ban, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét đề xuất HĐND huyện sửa đổi, bổ sung một số nội dung của nghị quyết đảm bảo phù hợp với thực tiễn của địa phương, vùng miền, lĩnh vực và có tác động mạnh mẽ đến sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục tối đa tồn tại, hạn chế trong thời gian qua để đưa nghị quyết ngày càng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả thiết thực. Khảo sát, đánh giá kết quả xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện, đề ra các giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm nhân rộng, nâng cao hiệu quả kinh tế của các mô hình sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Tăng cường liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm giữa người sản xuất với các doanh nghiệp để đáp ứng đầu ra cho sản phẩm được bền vững; xây dựng thương hiệu và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm chủ lực, tích cực quảng bá sản phẩm ra thị trường.
Phòng Nông nghiệp và PTNT cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các xã, các tổ chức, người dân tiếp cận đầy đủ các chính sách của nghị quyết, nhất là các xã, các nhóm lĩnh vực chưa được thụ hưởng chính sách. Phối hợp các phòng, ngành chức năng liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát việc phân bổ kinh phí, thực hiện nghị quyết đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả; kịp thời tổng hợp, đánh gía tình hình thực hiện các chính sách để tham mưu UBND huyện có biện pháp chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả. Phòng Tài chính - Kế hoạch chủ trì tham mưu UBND huyện trình HĐND huyện bố trí nguồn kinh phí thực hiện chính sách, hướng dẫn trình tự, thủ tục, thanh quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ đầy đủ, đúng quy định.
Đối với UBND các xã, chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh nhằm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân trên địa bàn hiểu, tiếp cận chính sách và vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng mô hình ngày càng hiệu quả hơn. Thực hiện kiểm tra, nghiệm thu, hướng dẫn cho các đối tượng lập hồ sơ đề nghị và hỗ trợ kinh phí, thanh quyết toán kịp thời, đầy đủ, đúng chế độ hiện hành./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn