Sau 10 năm thành lập, từ một vùng quê nghèo ven biển bao gồm 13 đơn vị hành chính xã, đến nay, trên địa bàn huyện Lộc Hà có 117 doanh nghiệp với tổng số vốn điều lệ hơn 540 tỷ đồng, tăng 44 doanh nghiệp so với đầu nhiệm kỳ; 83 hợp tác xã, quỹ tín dụng, hơn 50 tổ hợp tác và hơn 2000 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, liên kết sản xuất kinh doanh làm năn có hiệu quả. Đây là lực lượng hùng hậu đóng góp phần lớn ngân sách cho huyện nhà, đồng thời tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động góp phần đắc lực trong việc xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Sự đổi thay của miền quê Lộc Hà trên lĩnh vực phát triển kinh tế không thể không nói đến vai trò chủ lực của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã và các hộ kinh doanh cá thể này.
Khai thác tiềm năng lợi thế của huyện ven biển, nhiều hội viên hội doanh nghiệp đã thành lập công ty, HTX, mở đại lý, ki ốt kinh doanh thương mại, dịch vụ, mở mang làm ăn, cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu thị trường trên địa bàn toàn huyện. Cho nên một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể đã phát triển đầu tư vào lĩnh vực này rất lớn. Nhiều doanh nghiệp tham gia lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng, nhà hàng, khách sạn, bách hóa tổng hợp, ga ra ô tô, xưởng cơ khí, xăng dầu…Hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể hoạt động trong lĩnh vực này trong thời gian qua đều mang lại hiệu quả, thu nhập ổn định, tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Trong đó điển hình như Công ty TNHH vật liệu xây dựng Tiến Tài, Công ty TNHH Tỉnh Gia, Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ thương mại Đức Tài Phát; Nhà hàng Việt Lào; Nhà hàng Tuấn Thảo; Công ty TNHH xây dựng và thương mại Hà Hải Châu và nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khác.
Mặc dù tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện nhà còn nhiều khó khăn, thực hiện cơ chế thắt chặt đầu tư công, ngân sách địa phương hạn hẹp, nên các công trình thiếu vốn, ngừng đầu tư, các doanh nghiệp xây lắp, đứng trước những khó khăn, thách thức, nhiều doanh nghiệp đã chịu khó tìm tòi, năng động, sáng tạo, tích cực tạo nguồn vốn, vươn ra các địa phương khác tìm kiếm công ăn việc làm cho người lao động, đóng nộp ngân sách cho Nhà nước. Trong đó điển hình như Công ty cổ phần Hà Mỹ Hưng; Công ty TNHH xây dựng thương mại du lịch Quê Hương; Công ty TNHH Vĩnh Phú…
Phát huy lợi thế vùng biển cửa trong nuôi trồng thủy hải sản, các doanh nghiệp và hợp tác xã đã nắm bắt thời cơ, đầu tư quy mô và bài bản cơ sở hạ tầng, tìm tòi học hỏi kỷ thuật nuôi trồng để khai thác tiềm năng của địa phương. Mặc dù ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển, nhưng các doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi trồng vẫn bám trụ, vượt lên khó khăn, tổ chức nuôi quy mô thâm canh như Hợp tác xã Xuân Quý ở xã Hộ Độ; Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Loan Hoan ở xã Thạch Châu; HTX nuôi trồng thủy sản Lộc Hà ở xã Ích Hậu… Là những đơn vị đẫn đầu về lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản tại Lộc Hà.
Cùng với các doanh nghiệp, lĩnh vực hợp tác xã, tổ hợp tác ở Lộc Hà đã quy tụ được các xã viên cùng chung sức, chung lòng, hùn vốn, góp công, góp của cùng làm ăn. Hình thức kinh tế tập thể này đã cho thấy hợp tác lại để tạo nên sức mạnh trong vốn liếng và cạnh tranh thị trường. Đến nay trên địa bàn toàn huyện đã có 83 hợp tác xã, quỹ tín dụng và hơn 50 tổ hợp tác đã tạo công ăn việc làm cho gần 3.000 lao động. Các hợp tác xã hoạt động kinh doanh khá tốt, doanh thu đạt hàng tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân lao động thường xuyên từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng.
Với tính sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, nắm bắt thời cơ, tận dụng tốt các chính sách hổ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã đầu tư các trang trại chăn nuôi lợn với quy mô hàng ngàn con. Mặc dù, có biến động về giá cả và thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhưng các doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn đứng vững trên thương trường như trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Sỉu, HTX Tân Trường Sinh.
Theo báo cáo của chi cục thuế huyện Lộc Hà, việc tăng thu ngân sách trên địa bàn trong những năm qua cho thấy phần lớn là nguồn đóng thuế của các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn toàn huyện. Sự tăng thu ngân sách bền vững cũng đồng nghĩa với việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể ngày một tăng và làm ăn có hiệu quả.
Đóng góp của doanh nghiệp vào số thu ngân sách ngày càng tăng đã tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao tính bền vững trong cơ cấu nguồn thu. Năm 2012 thu ngân sách từ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt hơn 6 tỷ đồng, chiếm 15% tổng số thu ngân sách thì đến năm 2016 số thu này đạt hơn 19 tỷ đồng, chiếm 17,4% tổng số thu ngân sách toàn huyện. Một số doanh nghiệp có số nộp ngân sách lớn như: Công ty cổ phần Hà Mỹ Hưng, Công ty cổ phần xây dựng thương mại và du lịch Quê Hương, Công ty TNHH Vĩnh Phú, Công ty TNHH Tiến Thành, Công ty TNHH Đại Quý, Công ty TNHH xây dựng và thương mại Hà Hải Châu.v.v.
“Doanh nghiệp hưng thịnh thì kinh tế phát triển”. Dù bất kỳ địa phương nào trong đẩy mạnh phát triển kinh tế đều lấy doanh nghiệp làm trọng tâm. Bởi cho dù suy thoái kinh tế đi chăng nữa thì doanh nghiệp vẫn tồn tại và vẫn chứng minh sản xuất ra của cải vật chất chiếm tỷ lệ cao nhất trong các thành phần kinh tế của xã hội. Chính vì vậy, doanh nghiệp luôn có vai trò là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Nguồn thu ngân sách của nhà nước thông qua nộp thuế, trong đó doanh nghiệp luôn đứng hàng đầu. Để có nguồn thu lớn và bền vững thì cấp ủy, chính quyền các cấp cần chăm lo phát triển doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận một cách đầy đủ các chính sách và nguồn vốn để tạo dựng cơ nghiệp. Để góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, đối với đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã luôn ý thức được vai trò, sứ mệnh quan trọng của mình. Phải thực sự đoàn kết, hợp tác giữa các thành viên, các doanh nghiệp hợp tác xã với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp, đủ sức vượt qua mọi khó khăn thách thức.
Với vai trò là chổ dựa tin cậy, Hội doanh nghiệp Lộc Hà luôn quan tâm việc phát triển và hỗ trợ các thành viên tiếp cận các nguồn lực như tài chính, công nghệ và nguồn nhân lực. Bên cạnh đó cũng quán triệt, phổ biến các chính sách phát triển doanh nghiệp, chính sách ưu đãi về thuế, bảo hiểm xã hội, chính sách sử dụng vốn vay ưu đãi để tạo tiền đề cho việc thành lập các doanh nghiệp mới đa ngành nghề, lĩnh vực hoạt động cũng như mở rộng sản xuất kinh doanh. Hướng các doanh nghiệp mới tham gia vào Hội Doanh nghiệp huyện, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như liên doanh, liên kết, hợp tác để cùng nhau phát triển, góp phần xây dựng tổ chức hội ngày càng lớn mạnh.
Hội Doanh nghiệp huyện là tổ chức tập hợp đại diện cho cộng đồng Doanh nghiệp Lộc Hà, nhằm mục đích đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của hội viên. Hội thật sự là niềm tin, là cầu nối, là sân chơi và là ngôi nhà chung cho các doanh nghiệp trên địa bàn toàn huyện. Trước xu hướng hội nhập và phát triển, các Doanh nghiệp, doanh nhân với tinh thần và nghị lực của mình, ổn định tổ chức, có chiến lược kinh doanh hợp lý, phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn, tạo nên động lực mới, khí thế mới, tự tin năng động, hội nhập sâu rộng, thực hiện tốt phương châm cộng đồng thân thiện, hợp tác lâu dài, cùng nhau phát triển, hướng tới tương lai./.
Theo Ngọc Quang/locha.hatinh.gov.vn