Lộc Hà đánh thức tiềm năng du lịch
Cùng với nỗ lực của cấp ủy chính quyền, ý thức của mỗi người dân trong việc góp phần làm đẹp vùng biển quê hương, việc kêu gọi thu hút đầu tư cũng là một trong những nhiệm vụ mà huyện Lộc Hà đặc biệt quan tâm. Ông Lê Quang Huệ - Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cho biết: “Để phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch trên địa bàn, ngoài việc kiểm tra đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng đền thờ và quảng trường vua Mai Hắc Đế, hiện chúng tôi đang tập trung quyết liệt cho việc công khai áp giá đền bù giải phóng mặt bằng diện tích 20 ha để gấp rút tiến hành bàn giao cho tập đoàn Vingroup đầu tư dự án du lịch với nguồn kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng với các hạng mục: hệ thống nhà hàng, khu biệt thự, nhà nghỉ, khu vui chơi giải trí… Bên cạnh đó, huyện cũng đang tiến hành đẩy nhanh thủ tục chấp thuận đầu tư cho một số nhà kinh doanh du lịch với các dự án xây dựng nhà hàng, khách sạn với nguồn vốn từ 100 đến 200 tỷ đồng”…
Ngoài lợi thế từ tiềm năng du lịch biển, Lộc Hà còn được biết đến là vùng địa linh nhân kiệt với danh tiếng lẫy lừng của những dòng họ văn hoá cùng những nhân vật kiệt xuất qua các thời đại. Người dân Lộc Hà còn tự hào với mảnh đất cha ông ẩn chứa trong lòng những giá trị văn hoá tâm linh. Đó là hệ thống đền, chùa có kiến trúc, địa thế đẹp, nhiều lễ hội văn hóa độc đáo, giúp Lộc Hà phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Cùng với lễ hội chùa Chân Tiên, chùa Kim Dung..., Lễ hội đền Chiêu trưng đại vương Lê Khôi cũng là một trong những điểm hẹn văn hoá tâm linh - nơi hội tụ khách thập phương trên mọi miền đất nước. Đây không chỉ là dịp để tưởng nhớ vị tướng tài ba đã có công giữ gìn bờ cõi nước nhà mà đây là cơ hội để du khách có thể du ngoạn thắng cảnh núi Nam Giới - nơi được người dân vùng biển cửa thành kính xem như một vị sơn thần sừng sững dang tay thách thức với phong ba, bão tố để giữ gìn sự bình yên cho cuộc sống của ngư dân trong vùng, để che chắn cho tàu thuyền trước những cơn thịnh nộ của biển khơi.
Với sự quan tâm của huyện Lộc Hà trong chiến lược phát triển mũi nhọn kinh tế từ du lịch, vùng biển hoang sơ ngày nào đã và đang dần hình thành vóc dáng của trung tâm du lịch biển... Những điểm còn thiếu như: khu vui chơi giải trí, quảng trường, nhà nghỉ… cũng đã bắt đầu được khắc phục bởi sự có mặt của các dự án đầu tư lớn… Trong mùa du lịch năm nay, ngoài việc đầu tư nguồn kinh phí hơn 3 tỷ đồng cho một số hạng mục nhỏ như: bãi đậu xe, trồng thêm cây xanh…, Lộc Hà còn có kế hoạch liên kết mở tuyến xe buýt từ thành phố Hà Tĩnh đến các điểm du lịch, vui chơi, các danh lam thắng cảnh tâm linh của huyện như: Đền thờ Mai thúc Loan - Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi - đền Kim Dung - Biển; chùa Chân Tiên - đền Đỉnh Lự - hồ Khe Hao - Trúc lâm Thanh Lương - đền Cả - đền thờ Nguyễn Văn Giai - chùa Phổ Độ… Đó chính là những tuor du lịch khép kín có sức hấp dẫn để bước chân lữ khách muôn phương tìm đến với Lộc Hà.
Sự xuất hiện của những tòa nhà ở khu trung tâm hành chính, việc đẩy nhanh tiến độ và sự hoàn thành của các công trình, dự án hạ tầng lớn như: Công trình thuỷ lợi Đò Điệm, tuyến đường vành đai từ quốc lộ 1 đến mỏ sắt Thạch Khê, tuyến đường nối thành phố Hà Tĩnh với bờ biển (tỉnh lộ 9)... đã thực sự tạo cơ hội, triển vọng mới cho Lộc Hà. Cơ hội để xây dựng huyện mới thành đô thị biển, thành trung tâm phát triển của tỉnh nhà nhờ lợi thế giữa điểm giao thoa kết nối các tuyến phát triển theo hai trục dọc - quốc lộ 1 và hành lang ven biển cùng với cơ chế mời gọi đầu tư hết sức thông thoáng của huyện đã trở thành những lợi thế để vùng đất vành đai của thành phố vươn mình hội nhập.
Tin tưởng rằng, với những lợi thế được thiên nhiên ban tặng, cùng với sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, sự nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện, tiềm năng du lịch Lộc Hà sẽ được khơi dậy và phát triển trong tương lai gần.
Anh Thư
http://hatinh.dcs.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn