Sau hơn 3 năm vun xới và chăm sóc, mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên cát của gia đình ông Võ Quang Tùng (xã Xuân Yên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã kết quả ngọt, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nhiều bà con trên vùng đất cát khô cằn này.
“Tôi sinh ra và lớn lên ở đây nên càng thấy cái khó của vùng đất quê mình. Đất cát kém màu mỡ, trồng cây gì cũng khó khăn. Chính gia đình tôi ở đây cũng vẫn loay hoay trong việc phát triển kinh tế, trồng đủ các loại cây như na, nhãn, vải… xong rồi lại chặt bỏ vì hầu hết đều cho giá trị kinh tế thấp” - ông Tùng chia sẻ.
Tâm sự về hành trình đưa thanh long ruột đỏ về nuôi, ông cười xòa: Tình cờ xem tivi, thấy chương trình hướng dẫn trồng cây thanh long ruột đỏ trên đất cát ở Ninh Thuận, ông được “mở đàng làm ăn”. Tuy nhiên, vì loại cây này còn mới, ở huyện Nghi Xuân chưa có ai trồng nên việc tìm giống khó khăn. Tự mày mò tìm hiểu, ông cất công vào tận Ninh Thuận mua gần 100 gốc thanh long ruột đỏ về trồng trong vườn nhà.
“Lúc đó chưa có kiến thức, kinh nghiệm về trồng trọt nhưng tôi muốn thử xem thế nào bởi nghĩ đơn giản là, giống thanh long ruột đỏ mọc ở đất cát Ninh Thuận cũng sẽ dễ sống, dễ thích nghi với đất cát ở xã này” – ông Tùng vui vẻ chia sẻ.
Đặc biệt, khó khăn nhất khi đưa cây thanh long về trồng là phải chủ động được nguồn nước tưới. Với quyết tâm thực hiện bằng được ý tưởng, ông đã bàn bạc với vợ thuê nhân công khoan thăm dò nguồn nước. Mũi khoan cứ xoáy mãi trong lòng đất, phải đến độ sâu gần 42m mới đụng mạch nước ngầm - ông Tùng thở phào khi vượt qua khó khăn đầu tiên...
Ông đầu tư hệ thống tưới nước, điện sưởi ấm để thanh long có thể chống chọi với mùa đông giá lạnh của Hà Tĩnh. Từ đó, ông có thêm cơ sở để chăm sóc và mở rộng vườn thanh long như hôm nay.
Ông cần mẫn chăm bón và mỉm cười mãn nguyện khi những gốc thanh long phát triển xanh tốt và cho những lứa quả ngọt đầu tiên sau hơn 3 năm vun trồng. Theo ông Tùng, thanh long ruột đỏ là giống cây dễ trồng, chịu hạn tốt, phù hợp với đất đồi, đất cát lại ít sâu bệnh. So với thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế khá cao, chỉ cần nhiệt độ trung bình trên 25 độ C là cây nở hoa liên tục. Mỗi năm thu hoạch từ 15 - 16 lứa, mỗi trụ cho thu hoạch 25 - 30 kg với giá bán khoảng 35.000 đồng/kg.
Đến thời điểm hiện tại, ông Tùng đã trồng được trên 130 gốc, trong đó 100 gốc cho quả, thu hoạch từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 10 âm lịch. Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên dù là năm đầu tiên kết quả nhưng cây ra quả đều, màu sắc đẹp và sản lượng ước đạt gần 3 tấn.
Ông Tùng cho biết, khi cây đủ dinh dưỡng, giống tốt sẽ cho quả thơm ngon, có vị đậm đà cùng màu vỏ đỏ tươi bắt mắt nên người dùng rất ưa chuộng; chín đến đâu khách đặt mua tận gốc đến đó.
Vừa rót ly nước chè xanh ông Tùng vừa tâm sự: “ Tôi sẽ đầu tư mở rộng diện tích nhưng chỉ có thể đạt tối đa 150 gốc thanh long vì diện tích vườn nhà còn hạn chế. Tôi sẵn sàng chia sẻ cách mua giống hoặc cung cấp giống, kỹ thuật chăm sóc cho bà con, mong rằng thanh long trở thành hướng phát triển kinh tế mới ở vùng đất cát còn nhiều khó khăn này”.
Theo Thái Oanh - Thu Phương/baohatinh.vn