Nghi Xuân vào những năm 1990 trở về trước nhiều gia đình đã biết làm bánh đa kê bày bán tại chợ Giang Đình và nhiều chợ khác trong huyện. Hình ảnh các bà, các chị tươi cười, đon đả mời chào khách bên cạnh đôi quang gánh đựng nồi kê và túi bánh tráng nơi góc chợ huyện vốn đã in sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên tại quê hương Đại thi hào Nguyễn Du.
Chị Trần Thị Linh (xóm 3, xã Xuân Lĩnh), một trong số ít gia đình còn giữ nghề làm bánh đa kê để bán tại Nghi Xuân, cho biết chị được truyền lại nghề truyền thống này từ bà nội và mẹ của mình.
Nguyên liệu làm bánh đa kê rất đơn giản, bao gồm hạt kê đã xát vỏ, đậu xanh, bánh đa và các gia vị cần thiết như muối, mì chính, tinh bột nghệ. Đầu tiên người làm hàng phải ngâm kê trong khoảng 2 tiếng rồi vò và đãi sạn cho thật sạch, để ráo. Nồi nước nấu kê được bỏ thêm chút muối, mì chính và tinh bột nghệ để bánh có màu vàng tươi đẹp mắt. Sau khi đun sôi hỗn hợp thì cho kê vào lấy đũa đánh thật đều tay cho đến khi kê đặc mới được thả đũa ra.
Kị nhất khi đánh kê không được để kê bén nồi, nếu không mùi khê sẽ làm át hết vị ngậy và thơm.
Khi cạn nước, người nấu sẽ tắt lửa, vần nồi kê trên than cho chín hẳn rồi nhắc xuống.
Bánh đa nướng sau khi quạt xong được cất ngay vào túi để giữ độ giòn. Đậu xanh sau khi đồ chín đem giã nhuyễn.
Khi kê và đậu nguội hẳn là có thể bắt đầu công đoạn tiếp theo.
Hạt kê chín dẻo được phết lên miếng bánh đa nướng.
Sau đó rải thêm chút đậu xanh và đặt thêm một miếng bánh đa lên trên cùng. Thế là hoàn thành xong chiếc bánh đa kê.
Khi thưởng thức bánh đa kê, vị ngậy của kê quyện với vị bùi của đậu xanh bên cạnh vị giòn thơm của bánh đa, rất đặc biệt. Bánh đa kê ngon nhất là lúc vừa làm xong. Loại bánh này có cả 4 mùa. Giá bánh tùy theo sức ăn của người mua, thường từ 3.000 - 7.000 đồng/chiếc. Cái ngon của miếng bánh đa kê đôi khi không chỉ đến từ hương vị của những thứ nguyên liệu giản dị mà nó còn ngon bởi khiến người ta như được trở về những năm tháng ấu thơ.