Toàn cảnh hội nghị (ảnh: Báo GD-ĐT)
Thời gian qua, tình trạng bạo lực học đường đang có diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số vụ việc, mức độ nghiêm trọng cũng như tính chất, diễn ra tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Bạo lực học đường đã gây bức xúc trong dư luận, tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh, học sinh.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên nhân là do một số địa phương chưa thường xuyên chỉ đạo thực hiện các quy định về bảo đảm môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật cho học sinh ngoài giờ chính khóa chưa được chú trọng. Hoạt động trải nghiệm, Đoàn, Hội, Đội chưa thực sự hiệu quả để tạo ra môi trường an toàn, phòng, chống bạo lực học đường. Một số nhà giáo thiếu mẫu mực trong ứng xử, kỹ năng nghiệp vụ sự phạm còn lúng túng trong xử lý các tình huống. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh chưa thực sự được quan tâm và hiệu quả chưa cao. Sự phối hợp giáo dục nhà trường, gia đình, xã hội chưa thường xuyên.
Các đại biểu tham gia tại đầu cầu Nghi Xuân
Tại hội nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghe các ý kiến tham vấn về kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường năm 2019. Trong đó chú trọng vào các giải pháp như tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên kiêm nhiệm tư vấn tâm lý; tăng cường thanh, kiểm tra việc triển khai đảm bảo an toàn trường học; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của học sinh, giáo viên khi có vụ việc bạo lực học đường xảy ra; ký cam kết phối hợp giáo dục, quản lý giữa gia đình với nhà trường trong quản lý, giáo dục học sinh; cho học sinh ký cam kết không vi phạm tệ nạn xã hội, bạo lực học đường; đưa chương trình kỹ năng sống vào giảng dạy…
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đề nghị toàn ngành tập trung thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực học đường, trong đó đẩy mạnh phòng hơn chống, cụ thể hóa kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường trong nhiệm vụ của nhà trường ở tất cả các cấp học từ mầm non đến phổ thông; phối hợp chặt chẽ với địa phương, ngành liên quan để nắm rõ hoàn cảnh, tâm lý của học sinh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống bạo lực học đường; lãnh đạo các sở thực hiện nghiêm túc chủ trương của ngành, đình chỉ đứng lớp đối với những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo; đề nghị truyền thông tiếp tục cùng đồng hành với ngành Giáo dục phát hiện kịp thời những vụ việc nổi cộm, tuyên truyền những tấm gương, mô hình tốt trong thực hiện phòng, chống bạo lực học đường.
Đức Đồng
http://nghixuan.hatinh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn