Với nhiều cách làm sáng tạo, Nghi Xuân trở thành điểm đến tham quan, học tập của đoàn đại biểu hội nghị toàn quốc về xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu vừa qua
Xác định phong trào thi đua yêu nước là động lực góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngay vào đầu các năm, huyện Nghi Xuân phát động các phong trào tới cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Tạo sự đồng thuận, thu hút nhiều cá nhân, đơn vị tham gia, huyện đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua - khen thưởng theo hướng tập trung vào khâu yếu, khó, những vấn đề bức xúc ở cơ sở, sát với nhiệm vụ, hoạt động của các xã, thị trấn và ban, ngành, đoàn thể. Nhờ đó, các phong trào được triển khai bài bản, đảm bảo đúng quy định về thi đua - khen thưởng, từng bước đi vào chiều sâu và thiết thực.
Năm 2015, huyện Nghi Xuân khiến cả nước biết đến với số tiền huy động trên 7 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo đón tết “vui và đầm ấm”. Và, không chỉ có vậy, ba năm lại nay phong trào “hiến máu nhân đạo” ở huyện Nghi Xuân luôn đứng vị trí tốp đầu của tỉnh, vượt chỉ tiêu từ 15 – 20% đơn vị máu. Huyện Nghi Xuân cho đến nay vẫn luôn được biết đến là đơn vị tiên phong trong phong trào khuyến học khuyến tài nên tỷ lệ đậu đại học hàng năm chưa bao giờ “thoát khỏi” tốp đầu của tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2017, Nghi Xuân được xếp thứ nhất ở 2 phương diện: đạt tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 200%; thu hút đầu tư 2.700 tỷ đồng và xếp thứ nhì về cải cách thủ tục hành chính.
Ở Nghi Xuân, ngày càng xuất hiện nhiều cá nhân mạnh dạn áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư sản xuất góp phần quan trọng trong sự phát triển của địa phương
Đặc biệt sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân được huyện Nghi Xuân huy động một cách tối đa trong thực hiên chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó nổi lên là các phong trào thi đua như, hiến đất làm giao thông nông thôn, phong trào làm sạch thôn xóm. Sau 5 năm triển khai, toàn huyện làm mới được trên 420km đường GTNT, 76km kênh mương; 18/19 Trạm Y tế đạt chuẩn giai đoạn 1. Trong đó nguồn vốn do người dân đóng góp là 323 tỷ đồng (có 168 tỷ đồng tiền mặt, hiến đất trị giá gần 40 tỷ đồng). Nhiều địa phương ở Nghi Xuân trở thành điểm sáng về phân loại và xử lý rác hữu cơ tại gia đình…Cũng chính vì vậy, Nghi Xuân được lựa chọn là một trong hai địa phương xây dựng huyện nông thôn mới và trở thành điểm đến tại hội nghị toàn quốc xây dựng nông thôn mới vào tháng 4 năm nay.
Ông Nguyễn Hải Nam - Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết thêm: “Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thi đua là ái quốc, ái quốc là phải thi đua”, huyện Nghi Xuân coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong chiến lược phát triển KT – XH. Để thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước ngay từ đầu năm huyện Nghi Xuân đã xây dựng chương trình và phát động phong trào thi đua. Đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan đơn vị, địa phương ký kết giao ước thi đua, nội dung nhiệm vụ thi đua. Từ định hướng đó các tổ chức, địa phương “nhắm” từng nhiệm vụ, phân công cho từng người chịu trách nhiệm từng phần việc rồi chọn đối tượng thực hiện theo phương châm “khó làm trước” nhằm kích thích lòng tự tôn ở mỗi cá nhân và tổ chức tạo hiệu ứng sâu rộng và có sức lan tỏả cao.
Ngoài việc phân công nhiệm vụ cho ban chỉ đạo các cấp thường xuyên theo dõi đôn đốc kịp thời tháo gỡ nếu có vướng mắc phát sinh, công tác phê bình, khen thưởng cũng được huyện Nghi Xuân tổ chức thường xuyên theo ba đợt trong năm (cuối quý 1, quý 2 và cuối năm nên tạo nên sự hưng phấn, ganh đua giữa các cá nhân, đơn vị với chính quyền địa phương các cấp. Chỉ tính riêng ba năm lại nay trung bình mỗi năm huyện Nghi Xuân tổ chức trao thưởng cho trên 430 tập thể, gần 600 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các phong trào với số tiền thưởng trên 1 tỷ đồng.”
Ngoài 10 tiêu chí xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Hà Tĩnh, Nghi Xuân là địa phương đầu tiên "sáng tạo" đưa bổ sung tiêu chí mỗi khu dân cư NTM kiểu mẫu phải thành lập 1 CLB văn nghệ dân gian hoạt động hiệu quả, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương.
Quả vậy, trong thành công của huyện Nghi Xuân không thể không nhắc đến vai trò chéo lái của người đứng đầu. “Cán bộ nào phong trào ấy” – câu truyền miệng không mới nhưng cũng chẳng bao giờ cũ, bởi nếu người đứng đầu không gương mẫu, không tiên phong trong thực hiện các phong trào, mục tiêu đặt ra khó đạt. Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Hải Nam, người “phát minh” nhiều ý tưởng táo bạo trong thực hiện nông thôn mới. Trong đó đáng chú ý là hình thành nên các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu với tiêu chí bắt buộc là phải có các CLB dân ca; đồng thời đề ra ý tưởng “phủ sóng” mạng Intenet đến tận từng thôn xóm cũng như duy trì 2 năm/lần tổ chức cuộc thi tiếng hát học đường từ năm 2008 đến nay nhằm lưu giữ và bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể. Ông cho rằng “ xây dựng đội ngũ cán bộ thực thi có tâm có tầm trước hết người “cầm chịch” phải thể hiện được bản lĩnh và quyết tâm bằng những việc làm cụ thể”
Sự thành công của huyện Nghi Xuân bên cạnh dựa vào những tiềm năng lợi thế về kinh tế, văn hóa, Nghi Xuân còn biết huy động được sức mạnh tổng hợp của các hệ thống chính trị và đặc biệt là khối đoàn kết toàn dân. Từ đó mới hay lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” vẫn còn vẹn nguyên giá trị.
Theo Thanh Huyền - Đức Đồng/nghixuan.hatinh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn