00:05 EST Thứ sáu, 24/01/2025
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Hoạt động các địa phương » huyện Nghi Xuân


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Nguyễn Công Trứ - Nhân cách và tài năng

Thứ sáu - 02/11/2018 09:25
Năm nay, kỷ niệm 240 năm ngày sinh, 160 năm ngày mất của ông, chúng tôi có dịp về làng Uy Viễn tìm hiểu, nghiền ngẫm học tập nhân cách và tài năng của danh nhân Nguyễn Công Trứ để phát huy những giá trị tư tưởng đạo đức và tài năng của ông.

Nguyễn Công Trứ (Ảnh: tư liệu)

Vô cùng tự hào Uy Viễn Tướng công danh nhân Nguyễn Công Trứ (1778-1858), một người con kiệt xuất của quê hương Nghi Xuân, Hà Tĩnh, có nhiều đóng góp cho đất nước, được người đời sau ca tụng: “Công nghiệp lừng danh thâu bốn cõi/ Văn chương giá trị đến muôn đời” .Tướng công Nguyễn Công Trứ là người đủ nhân cách, đức trạnh, có tài “kinh bang tế thế”. Ông vừa giỏi việc cầm quân đánh trận, vừa có tài làm kinh tế để yên lòng dân. Ngoài ra ông là một nhà thơ nổi tiếng trong Văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX.

Nguyễn Công Trứ xuất thân từ một gia đình nho giáo, con quan tri phủ Nguyễn Công Tấn. Sinh không gặp thời, thời thế rối ren, chúa Trịnh bị Tây Sơn diệt, nhà Lê mất. Triều Tây Sơn thất bại. Nguyễn Ánh diệt Tây Sơn lên ngôi lập ra nhà Nguyễn. Trong bối cảnh loạn lạc, gia đình sa sút, Nguyễn Công Trứ phải sống trong cảnh nghèo khổ. Ông là người có tính cách kiên định chí tiến thủ, thất bại không nản chí, đã làm thì làm đến cùng . Tính cách này là sự khác biệt , góp phần tạo ra thành công về sau. Lập chí lập thân được ông đề cao hàng đầu: “ Đã mang tiếng đứng trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông ”. Là người nhiệt huyết, dám dấn thân vì nước, vì dân, ông quan niệm: “Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc/ Nợ tang bồng vay trả trả vay/ Chí làm trai nam bắc đông tây/Cho phỉ chí vẫy vùng trong bốn bể”.

Nhà thờ Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ tại huyện Nghi Xuân (Ảnh: Đức Đồng)

Chí lập thân, lập nghiệp ấy xuyên suốt cuộc đời của Nguyễn Công Trứ. Khi vua Gia Long mở khoa thi chọn nhân tài quản lý đất nước, Nguyễn Công Trứ hăm hở đi học đi thi. Nhưng 2 khoa thi liên tiếp vào năm 1807 và 1813 ông bị trượt.  Năm 1819, ông thi đậu Giải nguyên và được bổ đi làm quan. Bấy giờ ông đã 41 tuổi. Chức quan, địa vị đầu tiên ông được bổ dụng là Hành tẩu Quốc sử quán, một chức quan nhỏ. Bước chân vào chốn quan trường 28 năm, giữ 26 chức vụ, được thăng đến Tổng đốc, Thượng thư bộ binh và bị giáng xuống đi làm lính thú ở Quảng Ngãi, với ông không có ý nghĩa gì. Nguyễn Công Trứ bày tỏ: “Lúc làm đại tướng tôi không lấy làm vui, nay làm lính cũng không thấy làm nhục. Người ta ở địa vị nào có nghĩa vụ với địa vị ấy”. Đó là nhân cách cao thượng, xưa nay hiếm, chỉ có ở tính cách thẳng thắn, trung thực và khảng khái.

Con đường công danh của ông lắm “chông gai”, vinh nhục. Nguyễn Công Trứ là người ngay thẳng, trung thực, tuyệt đối trung thành với quân vương và thương yêu người dân nghèo khổ. Đôi khi sự thẳng thắn, lại bị hãm hại. Xin dẫn chứng một trong vô số câu chuyện vui buồn của tướng công Nguyễn Công Trứ. Theo sách Đại Nam thực lục chính biên, vào năm 1843, Tổng đốc Yên Hà là Nguyễn Công Nhàn, có hiềm khích nên không ưa Tuần phủ An Giang Nguyễn Công Trứ, đã có ý ngầm hãm hại. Nhàn tâu lên vua Thiệu Trị vu cáo ông lợi dụng công vụ phái người đi thăm dò xứ Trấn Tây để buôn lậu sừng tê và đậu khấu. May mà vua Thiệu Trị sai người về tra xét lại, phát hiện án oan do Phương và Nhàn vu cáo, hãm hại Nguyễn Công Trứ. Nhưng khi xử lý viên khâm sai phê :“Nguyễn Công Nhàn và Phùng Nghĩa Phương mắc tội bị phạt trượng và đày đi xa. Còn Nguyễn Công Trứ làm việc sơ suất nên phạt trượng và cách chức.” Ông bị cách tuột chức tước, sung làm lính “phái đi biên thùy tỉnh Quảng Ngãi”.

Lớn lên trong cảnh bần nho, nghèo đói. Gia đình ông đói đến mức vợ phải đi làm mướn đổi lấy gạo nuôi chồng ăn học, thi cử. Cảnh nghèo “tường mo” “nhà cỏ”, mối mọt, “nhận giăng” , phên ngăn tre pheo “nửa bếp nửa buồng”, đồ đựng bằng ống nứa “đầu kê, đầu đỗ”của nhà mình được chính ông tả trong tác phẩm nổi tiếng “ Hàn nho phong vị phú” :

“Đầu giường tre mối dũi quanh co

Góc tường đất trùn lên lố nhố

Bóng nắng dọi trứng gà bên vách, thằng bé tri trô

Hạt mưa soi hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó

Trong cũi lợn nằm gặm máng, đói chẳng muốn kêu,

Đầu giàn chuột nhắt khua niêu, buồn thôi lại bỏ”

Sống nghèo khổ, ngày ba bữa “bụng rau” mà cũng “chẳng no”, đêm ngủ cửa “thường bỏ ngõ”. Gia cảnh ông nghèo đến mức trộm đạo chẳng thèm ghé thăm. Sống hơn 30 năm trong cảnh nghèo, Nguyễn Công Trứ thấu hiểu thế nào là đói và cái gì tạo ra nghèo đói. Từ đó đã nhen nhúm lòng nhân thương yêu đồng loại, thúc giục tính thiện để tạo thiên tài. Tài năng của ông bộc lộ khá sớm, nhưng vì đường công danh lận đận nên ở tuổi 41 ông mới có đất dụng võ.

Năm 1802, vua Gia Long ra Bắc, ông có dịp dâng bản điều trần “Thái bình thập sách”. Các nhà sử học đánh giá cao kế sách trị nước yên dân phù hợp thời cuộc của Nguyễn Công Trứ. Kế sách này gồm có “Giữ lòng trung ái. Chăm đạo dâu con. Phát triển nông trang. Trừ bỏ dị đoan. Sửa đổi phong tục. Thanh thải tham tàn. Tiến cử tài đức. Giữ nghiêm luật lê.” Kế sách của ông rất phù hợp với tình hình chính trị-xã hội bấy giờ. Nhưng ý kiến của một thư sinh nghèo không được triều đình nhà Nguyễn chấp nhận.

Các nhà nghiên cứu đánh giá tướng công Nguyễn Công Trứ là người có đức tài “kinh bang tế thế”, đủ tài trị nước và cầm quân đánh trận dẹp yên bờ cõi. Xuất thân từ khoa cử, nhưng có tài làm tướng văn, tướng võ. Xuyên suốt thời Minh Mệnh, Thiệu Trị, nước Đại Nam xẩy ra nhiều biến cố xã hội phức tạp. Nội loạn và ngoại xâm luôn luôn đe dọa bình yên. Nhiều cuộc nội loạn nổi lên chống lại chế độ quân chủ nhà Nguyễn. Nguyễn Công Trứ nhiều lần được triều đình phái đi cầm quân đánh dẹp loạn. Tài năng quân sự bẩm sinh của ông có đất dụng võ. Quan quân do ông thống lĩnh đánh đâu thắng đó. Năm 1827, đánh dẹp Phan Bá Vành ở tỉnh Nam Định. Năm 1833, dẹp Nông Văn Vân ở tỉnh Tuyên Quang. Cùng năm đó đánh tan Lê Duy Phương ở tỉnh Thanh Hóa. Năm 1835, khi làm Tổng đốc Hải An, ông được Minh Mệnh phái đi dò xét và đánh dẹp bọn giặc biển người nhà Thanh chiếm các đảo ở tỉnh Quảng Yên. Những năm 1841-1845 xẩy ra chiến tranh Việt – Xiêm, Nguyễn Công Trứ lập được nhiều công lao: “Khi bình Tây cờ Đại tướng”. Năm 1858, ở tuổi 80, nghe tin quân Pháp xâm lược Đà Nẵng, ông dân sớ tâu vua Tự Đức xin đi đánh giặc:“Dù tôi như cài màn, cái lọng rách, cũng không nỡ tự nản chí. Còn chút hơi thở nào xin lên đường ngay.”

Ông Nguyễn Công Trứ là người trung quân, yêu quốc, thương đồng loại, nhiệt huyết ,thẳng ngay, khảng khái, ghét tham nhũng, tàn bạo. Là mệnh quan triều đình ông  phải thi hành lệnh đánh dẹp dân khởi loạn. Với ông là một việc làm bất đắc dĩ. Nguyễn Công Trứ thấu hiểu vì sao mà dân nổi dậy chống đối. Điều đó được ông nêu lên trong “Thái bình thập sách”. Trong đó có kế sách “thanh thải tham tàn” giải quyết tệ cường hào, tham nhũng, cướp bóc của dân. Đơn giản bị áp bức, bất công và dân đói, để tìm đường sống buộc lòng phải khởi loạn. Chỉ giải quyết việc diệt “tham tàn” và giúp dân no ấp mới hết loạn lạc .Từ cái nhìn đó, ông nhiều lần dâng biểu tâu lên đề xuất thanh toán tệ cường hào, tham nhũng ức hiếp dân. Sống cùng dân ông hiểu “Dân làm loạn vì dân đối nghèo” Biện pháp trừ loạn tận gốc là “làm cho dân có ruộng ,có việc làm ăn, để được no ấm yên vui”. Từng ấp ủ kế sách “phát triển nông trang” nhằm chấn hưng nông nghiệp, sau khi dẹp xong cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành ở Nam Định ông phát hiện vùng phù sa giữa sông Hồng và sông Trà Lý đang bỏ hoang hóa, để lau sậy và sú vẹt mọc rậm rạp nhưng đầy tiềm năng phát triển nông nghiệp. Phát hiện tài năng có tính kinh tế  của Nguyễn Công Trứ không ai bằng được.

Triển khai công việc, ông tự mình đến các địa phương Nam Định, Ninh Bình xem xét, kiểm tra, tự vẽ bản đồ chi tiết đất đai, sông ngòi, rừng rậm, hoang hóa và dâng biểu lên triều đình Minh Mệnh xin thực hiện 3 việc: “Một là nghiêm trị bọn du thủ, du thực, gian phi. Hai là trừng trị bọn lại dịch tham nhũng, thải bỏ những kẻ bất lực, khen thưởng cho những người liêm khiết. Ba là khẩn ruộng hoang để dân có ruộng cày, có nghề làm ăn, để yên nghiệp dân nghèo”. Vua đồng ý kế sách của Tả thị lang bộ Hình Nguyễn Công Trứ và ra quyết định phong thêm chức Dinh điền sứ cho ông để thực hiện việc khai khẩn hoang hóa. Về lực lượng và ngân sách thực hiện nhiệm vụ, triều đình cấp cho ông 12 viên chức, 7000 quan tiền, 500 đấu gạo và hỗ trợ tre nứa làm doanh trại.

Ông chiêu tập dân lưu tán khắp nơi về khai khẩn hoang hóa, đắp đê lấn biển lập thôn ấp. Ra quy định:“Ai mộ được 50 người thì lập một lý, cho làm lý trưởng. Mộ được 30 người thì lập làm một ấp, cho làm ấp trưởng. Số dân đinh đều được chia ruộng đất . Đồng thời cấp cho tiền công để làm nhà cửa, mua trâu, bò, nông cụ, lại cấp cho tiền gạo, lương tháng, hạn trong 6 tháng. Ngoài hạn ấy thì làm lấy mà ăn, ba năm thành ruộng, đều chiếu lệ tư điền mà đánh thu.”

Một góc Khu tưởng niệm Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình (Ảnh: Đậu Hà)

Năm 1828, chỉ trong thời gian 7 tháng với cách làm sáng tạo đó, ông chiêu  mộ dân lưu tán lập ra huyện Tiền Hải. Kết quả khai phá được 18.970 mẫu ruộng, chiêu mộ 2.350 đinh. Năm 1829, chỉ sau 5 tháng khẩn hoang ông lập huyện Kim Sơn, kết quả khai khẩn 14.600 mẫu ruộng, chiêu mộ 1.260 đinh. Ngoài ra ông còn khai khẩn, chiêu mộ dâ lưu tán lập các tổng Hoành Thu (Giao Thủy-Nam Định), Ninh Nhất (Nam Trực-Nam Định). Những vùng hải tần hoang vắng, nơi trộm cướp ẩn lánh đã trở thành thôn, ấp, làng xã trù phú, đông vui, ruộng đồng mênh mông với hệ thống kênh mương, đường sá thuận lợi. Nhớ ơn ông, dân 2 huyện Tiền Hải, lập đền thờ sống ông để tỏ lòng cung kính. Thành tựu này đã chứng minh tài năng kinh bang tế thế của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ.

Tài năng của ông không chỉ an bang định quốc mà còn là một nhà thơ lớn ở nửa đầu thế kỷ XIX. Trong cuộc bôn ba “trần ai” “ngất ngưỡng”, coi nhẹ nhục vinh tựa lông hồng,  ông để lại cho hậu thế 150 tác phẩm thơ, phú, câu đối độc đáo. Thơ của ông chủ yếu sáng tác theo các chủ đề chính: Chí nam nhi; Nhân tình thế thái và triết lý hưởng lạc. Trong đó, đặc biệt những bài thơ đề cập đến thói đời thế thái, thái nhân tình phản ánh xã hội đương thời, ngày nay vẫn mang tính chất thời sự nóng hổi, mang tầm triết lý thời đại.

Tổng kết cuộc đời của mình Uy Viễn tướng công trước khi qua đời để lại câu đối tóm tắt hành trang một đời bôn ba “ Cũng may thay công đăng hoả có là bao, theo đòi nhờ phận lại nhờ duyên, quan trong năm bảy thứ, quan ngoài tám hoa gươm bạc, nào võng tía dù xanh, mặt tài tình trong hội kiếm cung, khắp trời Nam bể Bắc cũng tung hoành, mùi thế trải qua ngần ấy đủ; Thôi quyết hẳn cuộc phong trần chi nữa tá, ngất ngưởng chẳng tiên mà chẳng tục, hầu gái một vài cô, hầu trai năm bảy cậu, này cờ này kiệu, này rượu này thơ, này đàn ngọt hát hay, này chè chuyên chén mẫu, tay thao lược ngoài vòng cương toả, lấy gió mát trăng trong làm tri thức tuổi trời ít bữa ấy là hơn”

Theo CTV Đặng Viết Tường/nghixuan.hatinh.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 274

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 272


Hôm nayHôm nay : 35528

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1293009

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 74339980