Tham gia đối thoại trực tiếp còn có đại diện lãnh đạo Sở Công thương, Sở Tư pháp và nhà đầu tư xây dựng chợ Giang Đình là Công ty CP Song Ngư Sơn.
“Mặc dù chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh, khai thác chợ Giang Đình đã được huyện Nghi Xuân phổ biến khá lâu và đã tổ chức 2 buổi họp bàn nhưng một số hộ tiểu thương vẫn cho rằng “chưa được biết” nên có đơn kiến nghị đến Ban tiếp nhận đơn thư khiếu nại của UBND huyện” – đại diện huyện Nghi Xuân đặt vấn đề.
Tuy nhiên, qua các cuộc đối thoại lấy ý kiến với sự tham gia của 322 hộ thì có 229 hộ đồng tình (chiếm 71,2%), có 93 hộ không có ý kiến hoặc chưa đồng thuận (chiếm 28,8%).
Chợ Giang Đình hiên nay được đầu tư xây dựng và hoàn thành từ năm 2002 từ nguồn tài trợ của tổ chức IFAD, ngân sách nhà nước và đóng góp của 38 hộ tiểu thương (ở mức từ 4 triệu đến 8 triệu đồng) với tổng mức đầu tư xấp xỉ 1,7 tỷ đồng. Số tiền đóng góp của nhân dân được khấu trừ hàng tháng (tiền chỗ, phí và lệ phí) từ thời điểm đi vào hoạt động (2002) đến năm 2009 thì hoàn tất.
Bà Nguyễn Thị Tâm băn khoăn cho rằng “bà con tiểu thương tham gia góp vốn nhưng thời gian buôn bán chỉ kéo dài 15 năm là quá ngắn. Nâng cấp sửa chữa một số hạng mục là hợp lý”.
Trải qua 15 năm đưa vào sử dụng, chợ Giang Đình đã xuống cấp trầm trọng, hệ thống vệ sinh môi trường không đảm bảo, hệ thống phòng cháy chữa cháy còn thiếu và yếu, chưa đạt yêu cầu… Vì vậy, việc đầu tư xây dựng chợ Giang Đình là cấp bách và cần thiết, phù hợp với nguyện vọng của đại đa số cử tri và nhân dân huyện Nghi Xuân…
Anh Nguyễn Long Cổn: Đây là chủ trương lớn nhưng trong điều kiện bà con khó khăn nên cần có thêm thời gian
Tại buổi đối thoại, đại diện bà con tiểu thương băn khoăn cho rằng, chợ Giang Đình có đặc điểm khác biệt với các khu chợ khác vì nằm ở vị trí hẻo lánh, ít người qua lại, mật độ dân cư thưa thớt, doanh thu buôn bán của bà con thấp nên việc đầu tư lớn trong thời gian tới cũng đồng nghĩa là mức đóng góp của bà con nhiều.
Giám đốc Cty Song Ngư Sơn Trần Quốc Lâm (chủ đầu tư): Xây chợ Giang Đình cho khang trang sạch đẹp hơn để bà con kinh doanh đỡ vất vả hơn. Nhà đầu tư cũng chỉ muốn kéo thêm khách hàng về để nâng cao thu nhập cho các tiểu thương chứ không mua lại chợ Giang Đình như một số người lầm tưởng. Dự án sớm được triển khai hay chậm là phụ thuộc vào bà con có đồng thuận sớm hay không
Trong khi đó, một số tiểu thương lại cho rằng, nâng cấp sửa chữa một số hạng mục như: nhà vệ sinh, sân chợ, hệ thống phòng cháy chữa cháy là việc cần làm ngay và sẵn sàng tham gia cùng nhà đầu tư mà không biết rằng việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ là chủ trương lớn của Chính phủ và buộc phải thực hiện theo lộ trình.
Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Văn Dũng: Giang Đình là chợ chuyển đổi muộn nhất so với các địa phương khác như ở thị xã Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh, Can Lộc… Sau khi hoàn thành nhà đầu tư sẽ tính mức thu ki-ốt. Mức thu bao nhiêu phải có sự đồng thuận của rất nhiều ngành nên không thể thu bao nhiêu cũng được
Để tạo sự thống nhất cao, huyện Nghi Xuân mong muốn bà con tiểu thương cần ý thức được những hiểm nguy rình rập tại khu chợ có tuổi thọ 15 năm không thường xuyên được đầu tư, đồng thời tạo điều kiện để chủ đầu tư sớm triển khai theo chủ trương đã được cấp trên chấp thuận.
Tác giả bài viết: Hoài Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn