Bí thư Huyện ủy Trần Nhật Tân điều hành buổi làm việc
Bí thư Huyện ủy Thạch Hà Trần Nhật Tân nhấn mạnh: Tính đến thời điểm hiện tại, Thạch Hà có tất cả 242 cán bộ, công chức đã nghỉ. Kết quả này có được nhờ vào sự nghiêm túc, gương mẫu và nỗ lực của cán bộ trong Ban Thường vụ đối với công tác tuyên truyền, vận động.
Theo lộ trình, Thạch Hà thực hiện sắp xếp 15 xã thành 6 xã mới gồm: Tân Lâm Hương (Thạch Tân - Thạch Lâm - Thạch Hương); Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Lưu - Thạch Vĩnh - Bắc Sơn); Việt Tiến (Thạch Tiến - Phù Việt - Việt Xuyên); thị trấn (Thạch Thanh - thị trấn Thạch Hà); Nam Điền (Thạch Điền - Nam Hương); Đỉnh Bàn (Thạch Đỉnh - Thạch Bàn).
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Văn Thắng cho rằng, khó nhất là vấn đề sắp xếp bộ máy; cần phát huy vai trò của các ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy trong vận động từng đơn vị. Trên cơ sở đó, Ban tổ chức cần tổng hợp, tiếp thu ý kiến để có báo cáo hoàn chỉnh.
Theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Thạch Hà đã thực hiện các bước đánh giá, khảo sát cán bộ và quy trình nhân sự. Theo đó, đã thống kê thực trạng và các thông tin, dữ liệu liên quan đến cán bộ, công chức, ban chuyên trách cấp xã; tuyên truyền, tư vấn các chính sách; lấy phiếu đánh giá, nhận xét nơi công tác, nơi cư trú đối với cán bộ, công chức, bán chuyên trách tại 15 đơn vị sáp nhập; xây dựng khung bộ máy đơn vị hành chính các xã mới; thống nhất phương án nhân sự, phương án chuyển tổ chức đảng và đảng viên...
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện Thạch Hà Nguyễn Lương Lĩnh: Cần tập trung làm rõ nguồn ngân sách của các xã và xác định còn bao nhiêu chưa thể giải quyết và đề xuất các phương án xử lý
Hiện tại, Thạch Hà có 15 đảng bộ cơ sở trực thuộc Huyện ủy, 148 chi bộ trực thuộc. Theo sắp xếp mới, sẽ tiến hành giải thể 15 đảng bộ cấp xã để thành lập 6 đảng bộ mới. Dự kiến cơ cấu mỗi xã 5 ủy viên ban thường vụ gồm bí thư, phó bí thư thường trực, chủ tịch, phó chủ tịch xã và chủ tịch UBMTTQ.
Đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, sẽ được bố trí theo hướng điều chuyển về huyện, chuyển đi các xã khác, bố trí cấp phó MTTQ và các đoàn thể, vận động nghỉ hưởng chính sách của Trung ương, của tỉnh; chuyển công chức đến các xã có công chức lên thay thế cán bộ.
Theo cách giải quyết này, sau khi sáp nhập, Thạch Hà sẽ dôi dư 118 cán bộ và 161 người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Trần Việt Hà khẳng định, việc xử lý công nợ của các xã phải có phương án cụ thể. Các xã cần tranh thủ đấu giá quyền sử dụng đất để có kinh phí thanh toán. Đồng thời, đề xuất các phương án xây dựng trụ sở làm việc mới
Tại phần thảo luận, các đại biểu đã tập trung vào đề xuất thêm phương án giải quyết đối với cán bộ, công chức, người không chuyên trách dôi dư; hướng xử lý công nợ của các xã trong diện sáp nhập; tuyên truyền, vận động cán bộ nghỉ trước tuổi; lựa chọn trung tâm hành chính xã sau sáp nhập; xây dựng kế hoạch chi tiết liên quan đến nội dung sáp nhập xã...
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy Trần Nhật Tân yêu cầu việc sắp xếp nhân sự ở Thạch Hà phải khách quan, nghiêm túc, không chịu bất cứ sự tác động nào; UBND huyện cần phải khẩn trương hoàn thành từng đề án; tiếp tục tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về chủ trương, định hướng sắp xếp bộ máy các đơn vị hành chính cấp xã; bố trí cơ sở vật chất, điều kiện làm việc đảm bảo cho cán bộ, cống chức tại trụ sở mới; xử lý từng đầu việc phát sinh sau sáp nhập...
Theo Thùy Dương/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn