Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp trên, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Vũ Quang đã có bước chuyển biến tích cực.
Các đồ án, đề án đã được phê duyệt và triển khai thực hiện đồng bộ tại các địa phương. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ngày càng được nâng lên, qua đó kinh tế có bước tăng trưởng khá, các mô hình sản xuất có hướng phát triển cả về tính chất, quy mô theo hướng hàng hóa gắn với thị trường. Tuy nhiên, nhiệm vụ trước mắt còn nặng nề và muôn vàn khó khăn, chúng ta cần đoàn kết, chung sức, chung lòng, cùng nhau thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Xác định thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cả quá trình. Vì vậy, bám sát chủ trương của trên, UBND huyện Vũ Quang đã kiện toàn ban chỉ đạo, thực hiện tốt công tác giao ban định kỳ để nắm bắt tình hình tại các địa phương, đơn vị. Cùng với đó, UBND huyện đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên thường xuyên tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, chỉ đạo thực hiện chương trình tại cơ sở để đánh giá những kết quả đạt được đồng thời phát hiện những tồn tại hạn chế, tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Các phòng ban, đoàn thể đã phối hợp thực hiện khá đồng bộ, thường xuyên; Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể đã giữ được vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, nhân dân tích cực tham gia thực hiện các chương trình, kế hoạch xây dựng NTM; phối hợp mở các lớp đào tạo dạy nghề cho bà con nhân dân trong huyện. Nhờ đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện, đến nay 9/9 xã với 85 thôn đã hoàn thành công bố đồ án quy hoạch, 2 đề án cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đối với công tác cắm mốc chỉ giới, tính đến nay toàn huyện đã cắm được hơn 16.664/19.946 cột với chiều dài trên 411km, đạt 84% kế hoạch. Trong đó đường trục xã 136/188 km, đường liên thôn 67,8/109km, đường trục thôn, ngõ xóm 169/189,9km, đường giao thông nội đồng đạt 37/55km. Đi đầu trong việc chỉ đạo thực hiện cắm mốc chỉ giới quy hoạch, phóng tuyến giải phóng mặt bằng là xã Đức Lĩnh, Đức Hương, Ân Phú, Hương Minh…Cùng với triển khai thực hiện tốt công tác cắm mốc chỉ giới, trong 7 tháng đầu năm 2012, kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư, phong trào làm đường giao thông phát triển rộng khắp. Toàn huyện đã có 830 hộ dân hiến gần 198.984m2 đất, huy động được trên 42.000 ngày công, đào đắp được gần 164.000m3 đất đá, phát quang, phóng tuyến được 208km, làm mới được 20 km đường cứng bê tông, xây mới được 3,1 km kênh mương nội đồng. Cùng với đó, đã triển khai xây dựng 5 trường học, 10 nhà văn hóa thôn từ nguồn vốn NTM và vốn lồng ghép chương trình 135.
Đối với đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, huyện nhà đã xác định 8 sản phẩm chủ lực liên kết với tỉnh và 3 sản phẩm đặc thù của huyện. Trong 8 tháng đầu năm, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản ước đạt trên 200 tỷ đồng, đạt gần 75% so với kế hoạch cả năm. Về chăn nuôi, đã từng bước chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa. Toàn huyện đã quy hoạch được 21 vùng chăn nuôi tập trung, xây dựng được 4 mô hình chăn nuôi liên kết với công ty KS&TM Hà Tĩnh; khởi công xây dựng 1 cơ sở nuôi lợn nái bố mẹ có quy mô 350 con tại Ân Phú và 5 mô hình quy mô 500 con trở lên liên kết với công ty CP Việt Nam, đến nay đã có 2 mô hình đi vào chăn nuôi; Bên cạnh đó, chăn nuôi lợn thịt có 112 mô hình quy mô 20 - 40 con, 15 mô hình từ 40 - 70 con, 1 mô hình 200 con và 115 mô hình chăn nuôi hươu. Quy mô 2-13 con; 225 mô hình trang trại, gia trại, 180 máy cày, 73 máy tuốt lúa, gieo sạ; 1023 máy gặt và 83 máy tẻ ngô, xay xát.
Mặc dù đã có sự vào cuộc của các cấp các ngành, sự tập trung chỉ đạo của các địa phương, tuy nhiên mức độ tăng lên của từng tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các xã vẫn đạt thấp, thiếu tính bền vững và đồng bộ. Với xã điểm Hương Minh mới chỉ đạt 7 tiêu chí, xã Ân Phú đạt 6 tiêu chí; Đức lĩnh 6 tiêu chí, 6 xã còn lại mới đạt 4-5 tiêu chí. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền còn nặng về hình thức, thiếu các nội dung trọng tâm, trọng điểm; một số thành viên BCĐ và một số phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện chưa quyết liệt trong quá trình chỉ đạo, triển khai thực hiện; việc gắn kết nhiệm vụ chuyên môn với thực hiện các tiêu chí của các phòng, ban, ngành chưa chặt chẽ… Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa tâm huyết, thiếu quyết liệt, năng lực của cán bộ yếu, phương pháp làm việc còn lúng túng; chưa nhân rộng được các mô hình sản xuất, chưa đẩy mạnh phong trào làm giao thông nông thôn; Một số địa phương chưa áp dụng được các giải pháp phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, việc thành lập mới các hình thức tổ chức sản xuất như HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp không đạt kế hoạch; cùng với đó, nguồn vốn để thực hiện chương trình còn hạn chế, không đáp ứng nhu cầu và lộ trình đề ra, dẫn đến không khuyến khích phong trào phát triển sâu rộng.
Để giải quyết triệt để những tồn tại, hạn chế, khắc phục khó khăn vươn lên hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra, trong thời gian tới cần tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu, vừa có tính trọng tâm, trọng điểm theo từng giai đoạn, đặc biệt là chuyên sâu vào cơ chế, chính sách mới vào thực hiện chương trình.
Chú trọng phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài. Phát triển các giống cây, con chủ lực có quy mô, sản xuất hàng hóa lớn, có hiệu quả kinh tế cao, gắn chế biến với tiêu thụ sản phẩm như lợn, hươu, cao su tiểu điền, cây ăn quả; cần đầu tư, khuyến khích hỗ trợ thành lập các tổ chức sản xuất như HTX, tổ hợp tác…
Kết cấu hạ tầng nông thôn đóng vai trò hết sức quan trọng, vì vậy cần huy động mọi nguồn lực, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, tập trung đẩy mạnh phong trào làm giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Triển khai sâu rộng, đồng bộ quy hoạch xây dựng NTM, thực hiện quyết liệt 2 đề án, hoàn thành dứt điểm việc cắm mốc quy hoạch và các khu chức năng, triển khai lập các quy hoạch chi tiết các đề án thành phần, đề án chuyên sâu trên cơ sở chính sách của tỉnh, huyện và địa phương.
Đẩy mạnh công tác xây dựng và thực hiện thiết chế văn hóa ở cơ sở, các quy ước, hương ước trong tất cả các thôn, xóm. Đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng NTM.
Tranh thủ, huy động mọi nguồn lực cao nhất, lồng ghép các chương trình dự án khác cùng phát huy đồng bộ trên địa bàn. Cùng với đó, cần vận động các tổ chức, cá nhân, con em quê hương trong và ngoài huyện chung sức xây dựng nông thôn mới. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp trên, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nghiêm túc thực hiện chương trình của các địa phương, đơn vị trong toàn huyện, chúng ta có cơ sở để đặt niềm tin vào sự thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã và đang được triển khai tại huyện nhà Vũ Quang.
Phạm Duy Đạt
Phó VPĐP NTM huyện Vũ Quang